Thứ Năm, 9 tháng 7, 2009

Nhân cách và sự phát triển văn hóa xã hội ở tuổi thiếu niên - phan 4

Động thái gia đình
Trong suốt quá trình hình thành tính đồng nhất, thiếu niên luôn phải so sánh những giá trị và hành vi của bản thân với những giá trị và hành vi của gia đình mình. Một mặt, bằng tình thương yêu, các bậc cha mẹ làm cho các em có cảm giác an toàn và là chỗ dựa vững chắc cho các em. Mặt khác, họ khuyến khích các em trở thành người lớn tự lập, có khả năng hoạt động trong xã hội mà không phụ thuộc vào những người khác.
Chính sự tác động qua lại của cha mẹ với thiếu niên sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sự trưởng thành của các em. Hệ thống gia đình rất nhạy cảm: sự thay đổi hành vi của một thành viên trong gia đình sẽ ảnh hưởng tới tất cả mọi người còn lại. Bởi vì, lứa tuổi thiếu niên là giai đoạn có những thay đổi đáng kể và thường là những thay đổi bi đát, do đó mà gia đình cũng như bản chất giao tiếp giữa các thế hệ cũng bị thay đổi theo.
Giao tiếp giữa các thế hệ
Nhu cầu tự quyết và tự lập xuất hiện ở thiếu niên thường dẫn tới một số xung đột trong gia đình và nhu cầu giao tiếp với cha mẹ trong quá trình giải quyết một số vấn đề tăng lên. Gia đình vẫn ảnh hưởng mạnh mẽ tới thiếu niên, mặc dù quan hệ của các em với cha mẹ có phần rắc rối hơn. Những nghiên cứu cho thấy, mâu thuẫn giữa thiếu niên với gia đình ít hơn nhiều so với quan niệm của mọi người. Theo kết quả thu được, những mâu thuẫn nghiêm trọng giữa cha mẹ và thiếu niên chỉ có ở 15 - 25% số gia đình. Thông thường, sự rắc rối xuất hiện trong những vấn đề thường ngày như: các công việc gia đình, thời gian về nhà, hẹn hò, kết quả học tập, hình dáng bên ngoài và kiểu cách ăn uống. Hiếm khi có mâu thuẫn giữa cha mẹ và thiếu niên về những giá trị quan trọng như: tôn giáo, xã hội và chính trị. (Hill, 1987). Một số tương đối ít thiếu niên trong giai đoạn học ở THPT hoặc là ở trường cao đẳng đưa ra quan điểm hoàn toàn độc lập về hệ tư tưởng (Waterman 1985)
Nói chung, đầu tuổi thiếu niên là thời kỳ mâu thuẫn mạnh hơn so với giai đoạn sau. Khi thiếu niên và cha mẹ mình trưởng thành hơn, họ sẽ hiểu thấu hơn về sự phức tạp của vấn đề tự trị và độc lập. Cả người lớn và thiếu niên phải ý thức được rằng nếu như họ có khả năng duy trì tiếp xúc và trao đổi quan điểm với nhau thì họ sẽ tâm đầu ý hợp để giải quyết những vấn đề phức tạp.
Cha và mẹ ảnh hưởng tới con cái ở các mức độ khác nhau. Mặc dù, việc miêu tả các mối quan hệ gia đình giữa nam thiếu niên và nữ thiếu niên có sự khác nhau không đáng kể (Hauser, 1987; Youniss, Keterlinus, 1987), nhưng hành vi và vai trò của mẹ và cha khác nhau đáng kể (Steinberg, 1987a). Thông thường, người cha hay khuyến khích phát triển trí tuệ, thường tranh luận và giải quyết các vấn đề gia đình. Kết quả là cả nam thiếu niên và nữ thiếu niên thường trao đổi những ý nghĩ và mhững điều mà mình quan tâm với cha. Quan hệ của thiếu niên với mẹ phức tạp hơn nhiều. Sự tác động qua lại giữa mẹ và các em thường diễn ra ở những việc như: công việc nội trợ, trách nhiệm gia đình, quy tắc (ở nhà cũng như ở những nơi khác) và việc nghỉ ngơi (Montemayor, Brownlee, 1987). Mặc dù những tác động qua lại này có thể gây nên những căng thẳng trong quan hệ, mâu thuẫn giữa mẹ và con cái, nhưng nó cũng làm cho họ gần gũi nhau hơn (Youniss, Keterlinus, 1987)
Phong cách giáo dục của cha mẹ. Chương 8 chúng ta đã thảo luận ảnh hưởng của những phong cách giáo dục tới đặc điểm tâm lý của trẻ. Những ảnh hưởng này tiếp diễn ở lứa tuổi thiếu niên. Phong cách uy tín (có xác xuất cao nhất) dẫn tới hành vi bình thường hoặc là lành mạnh của thiếu niên (Baumrind, 1991) với đặc điểm là thiếu niên hành động có trách nhiệm, độc lập và tự kiểm soát bản thân. Ngược lại, những thiếu niên được nhận phong cách giáo dục độc đoán có thể sẽ trở thành người phụ thuộc và hay lo lắng sự có mặt của những nhân vật có quyền lực hoặc là trở thành người xấc xược và xâm kích.
Mặc dù không phải bao giờ cũng đúng, nhưng người ta thường thấy sự ảnh hưởng tiêu cực của phong cách giáo dục độc đoán, cũng như sự ảnh hưởng tích cực của phong cách giáo dục uy quyền ở các dân tộc khác nhau (Lamborn, Dornbush&Steinberg, 1996)
Những bậc cha mẹ có uy quyền sẽ có kiểu kiểm soát thiếu niên một cách thân thiện và đúng đắn, và điều này làm cho các em cảm thấy yên tâm. Bằng kiểu hành vi này, các bậc cha mẹ đã che chở những đứa con của mình. Khi bị thất bại thì đó không phải là điều không thể sửa chữa được, bởi vì các bậc cha mẹ giúp các em "hàn gắn những mẩu vở vụn" lại. Những bậc cha mẹ uy quyền cũng chú ý tới cả những thế mạnh trong năng lực nhận thức của các em. Cha mẹ và con cái có thể giao tiếp với nhau trên cơ sở tình yêu thương (Baumrind, 1987)
Khối liên minh gia đình. Khối liên minh gia đình đóng một vai trò quan trọng trong giao tiếp. Giống như phong cách giáo dục, khối liên minh gia đình hình thành hành vi từ trước lứa tuổi thiếu niên. Anh trai có ảnh hưởng lớn đến em trai ở thời thơ ấu thì cũng có thể có ảnh hưởng tới em trai ở mức độ như vậy ở lứa tuổi thiếu niên; con gái khi 6 tuổi là "con gái rượu của bố" cũng có thể sẽ trở thành người thân thiết với bố ở 16 tuổi.
Mặc dù khối liên minh giữa các thành viên của gia đình là lẽ hiển nhiên và lành mạnh, nhưng điều quan trọng là cha mẹ phải ủng hộ nhau và có khoảng cách rõ ràng giữa mìng với con cái. Cha mẹ cũng phải cùng nhau giáo dục con cái; mối liên hệ chặt chẽ của một người với con cái sẽ đi kèm với việc con cái không có mối liên hệ với người kia. Điều này có thể có những hậu quả nghiêm trọng. Khi nằm ngoài các mối quan hệ, cha hoặc mẹ sẽ mất uy tín, mất ý nghĩa là một người trung gian trong quá trình xã hội hoá. Những kiểu mất cân bằng khác như: sự vắng mặt một người do ly hôn hoặc là ly thân cũng gây ra những vấn đề nhất định. Khi thiếu niên thử đóng những vai mới và cố gắng đạt tính đồng nhất mới, uy tín của cha (mẹ) ở những gia đình khuyết thiếu có thể bị phủ định.

Những thay đổi về cấu trúc gia đình
ảnh hưởng của gia đình trong thời kỳ chuyển tiếp mà chúng ta đã bàn tới ở chương trước, tiếp tục ảnh hưởng ở lứa tuổi thiếu niên.
Điều đáng quan tâm là những thay đổi trong các gia đình ở Mỹ ảnh hưởng như thế nào tới trách nhiệm của thiếu niên đối với những công việc gia đình. Kết quả hoàn toàn bất ngờ (Benin, Edwards, 1990). Những thiếu niên trong các gia đình có cả bố và mẹ đi làm thường ít làm việc nhà hơn so với những thiếu niên có mẹ không đi làm. Ngoài ra, phụ thuộc vào giới tính, những yêu cầu đối với các em là khác nhau. Chẳng hạn, những nam thiếu niên có cả bố và mẹ đi làm chỉ làm việc nhà bằng 1/3 thời gian so với những nam thiếu niên sống trong gia đình truyền thống. Bên cạnh đó, nữ thiếu niên có cả bố và mẹ đi làm thì làm việc nhà nhiều hơn 1/4 so với những nữ thiếu niên trong các gia đình truyền thống. Trong khi đó, những người mẹ mong đợi những đứa con gái và con trai sẽ làm khối lượng công việc nhà như nhau. Vì sao xảy ra điều này? Các nhà nghiên cứu nói rằng, những người mẹ đi làm tin tưởng con gái làm những việc gia đình hơn là tin con trai, vì vậy, họ hay giao việc cho con gái. Mẹ có thể bắt con trai làm những công việc nhà khi có sự chỉ đạo trực tiếp của mình.
Thiếu niên phản ứng như thế nào với những cú sốc do những thay đổi về cấu trúc gia đình? Một số em nhận thêm trách nhiệm về mình. Một số khác thể hiện những trải nghiệm tiêu cực một cách công khai và có những xung đột, dẫn tới là bị lôi kéo vào những hành vi chống đối xã hội, những hành vi bất bình thường. Tuy nhiên, một số em lại chọn cách sống xa gia đình để hướng tới hoạt động với bạn cùng lứa.
Sự thích nghi của những thiếu niên sẵn sàng sống xa gia đình là một công việc không đơn giản. Cha mẹ và con cái cần phải thoả hiệp lại các vai trò của mình. Các em cần tìm kiếm sự ủng hộ khác, chẳng hạn, giúp đỡ các em nhỏ bởi vì bằng cách đó các em sẽ lĩnh hội được tính độc lập nhanh hơn. Tính tự lập và tự khẳng định không phải là những phẩm chất tiêu cực, những phẩm chất này có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển. Một số gia đình thì khuyến khích có những phẩm chất này, còn một số khác thì phản đối chúng.
Các nhà nghiên cứu xác định 3 chỉ số về chức năng của gia đình. Tính cố kết, tính thích ứng và chất lượng giao tiếp (Barnes, Olsen, 1985) Tính cố kết và tính thích ứng của gia đình ở mức độ trung bình, chứ không phải là ở mức độ tốt nếu xảy ra hiện tượng sống xa gia đình. Gia đình tốt nhất là gia đình linh họat và thích ứng, nhưng không phải là tự do tới mức trở thành hỗn loạn. Gia đình phải có tính cố kết, chứ không phải là nơi làm "nghẹt thở" mọi người. Việc thích ứng với tình huống mới sẽ ít bị căng thẳng hơn nếu như các thành viên trong gia đình tính đến nguyện vọng và nhu cầu của từng người và thoả hiệp những thay đổi một cách hợp lý. Tính cố kết của gia đình có thể duy trì được nếu như cha mẹ và những thiếu niên muốn sống xa gia đình tác động qua lại với nhau như những nhân cách và thiết lập những mối qua hệ phụ thuộc lẫn nhau (Grotevant&Cooper, 1985)
Việc giao tiếp cởi mở sẽ bảo toàn tính cố kết của gia đình, bởi vì nó cho phép các thành viên hình dung về tình huống rõ ràng hơn và khắc phục các vấn đề đang xuất hiện.
Một số nhà nghiên cứu nói rằng những ông bố đóng vai trò quyết định trong việc giúp đỡ thiếu niên tìm thấy sự cân bằng cần thiết giữa phân ly và thống nhất, sự cân bằng kéo dài cho tới khi thiếu niên sẵn sàng sống xa gia đình. Những ông bố có thái độ quan tâm đến việc phân ly của con mình sẽ cung cấp cho các em "một không gian" nơi mà các em sẽ hình thành tính đồng nhất của bản thân và nhận trách nhiệm về những hành vi của mình. Nhìn chung, các em thiếu niên thường ít xung đột với bố hơn là với mẹ. Điều này làm xuất hiện ý nghĩa rằng bố ít can thiệp vào công việc của các em và tôn trọng sự độc lập của các em hơn là mẹ. Như vậy, thay vào chỗ phải tranh luận, nhiều thiếu niên có thể hành động theo sở thích của bản thân (Shulman, Klein, 1993).
Những gia đình khuyết thiếu có thể gặp phải những khó khăn trong việc giúp đỡ các em hình thành tính đồng nhất của bản thân và sống xa gia đình. Trong những gia đình này thì việc tham gia của một người lớn khác, chẳng hạn ông, cô chú hoặc là giáo viên, sẽ làm cho bước chuyển tiếp này trở đơn giản hơn đối với cả cha mẹ và cả các em (Dornbusch et at 1985)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét