Thứ Năm, 9 tháng 7, 2009

Nhân cách và sự phát triển văn hóa xã hội ở tuổi thiếu niên- phan 2

Sự độc lập và sự phụ thuộc lẫn nhau
Theo quan điểm thống trị hiện nay, thì thiếu niên sử dụng xung đột và quậy phá để giành được quyền tự quyết và sự độc lập với cha mẹ. Từ giữa những năm 1960, các phương tiện truyền thông chú ý nhiều đến vấn đề "đoạn giao giữa các thế hệ" và mâu thuẫn gay gắt giữa cha mẹ và con cái. Lịch sử vấn đề này phong phú và đầy rẫy bế tắc, tuy nhiên chỉ có một số lượng nghiên cứu rất ít ỏi khẳng định điều này. Phần lớn các công trình trong lĩnh vực này cho thấy, mâu thuẫn giữa thiếu niên và gia đình đã bị thổi phồng đáng kể.
Mặc dù ở giai đọan đầu tuổi thiếu niên, khoảng cách xúc cảm giữa thiếu niên và cha mẹ nói chung là tăng lên (Steinberg), điều này không nhất thiết dẫn tới việc quậy phá hoặc là phủ định các giá trị của cha mẹ.
Daniel Offer và những đồng nghiệp của ông đã nghiên cứu 6 nghìn thiếu niên ở 10 nước khác nhau: úc, Banglades, Hungari, Israel, ý, Nhật, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Tây Đức cũ dựa trên bảng hỏi nhằm nghiên cứu sự đánh giá của các em về các mối quan hệ trong gia đình(Offer, Ostrov, Howland & Atkison, 1998). Họ nhận thấy, ở tất cả các nước, số đông thiếu niên có quan hệ tốt với cha mẹ và đánh giá tích cực các mối quan hệ gia đình, chỉ có một tỷ lệ không lớn thiếu niên đồng ý với những khẳng định tiêu cực sau:
Cha mẹ em xấu hổ vì em (7%)
Em đã từ lâu không hài lòng với cha mẹ (9%)
Em rất thường xuyên thấy mẹ em xử sự không đúng (9%)
Em rất thường xuyên thấy cha em xử sự không đúng (9%)
Trong tương lai, em sẽ làm cha mẹ thất vọng (11%)
Câu trả lời của thiếu niên ở các nước khác nhau có khác nhau chút ít, điều này nhấn mạnh tới tầm quan trọng của ngữ cảnh văn hoá trong sự phát triển của thiếu niên. Chẳng hạn, thiếu niên Israel thông báo về những mối quan hệ gia đình tích cực hơn, có thể là do sự quan tâm đặc biệt trong các gia đình thuộc nền văn hoá châu Âu truyền thống. Nói chung, những số liệu của Offer đối lập hoàn toàn với quan điểm của Freud cho rằng, mâu thuẫn do những nhu cầu và những thay đổi về mặt sinh học là không tránh khỏi.
Cần phải xem xét lại quan điểm về quyền tự quyết như là sự thoát khỏi ảnh hưởng của bố mẹ. Khi phân tích sự độc lập thì cần phải hiểu rằng bố mẹ vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới các em trong và sau khi kết thúc tuổi thiếu niên. John Hill đề xuất một cách tiếp cận lý thú với việc tìm kiếm tự do cho thiếu niên. Ông đi đến kết luận, có thể xác định quyền tự quyết thông qua việc tự điều chỉnh. Quyền tự quyết được hiểu như là việc tiếp nhận những đánh giá riêng và điều chỉnh hành vi của mình, điều này có thể xác định bằng câu "Hãy suy nghĩ về chính bản thân mình". Nhiều thiếu niên học chính cách này. Các em đánh giá lại những luật lệ, những giá trị và những hạn chế của lứa tuổi trẻ em khi ở nhà và ở trường học. Đôi khi các em gặp phải sự chống đối quyết liệt của cha mẹ, điều này có thể dẫn tới mâu thuẫn. Bên cạnh đó, thông thường cha mẹ cùng với các em cố gắng vượt qua vấn đề này bằng cách giảm bớt phạm vi mâu thuẫn, giúp các em phát triển tư duy độc lập và tự điều chỉnh hành vi của mình (Hill, 1987).
Chắn chắn rằng, việc trở thành người lớn sẽ dần dần kết thúc. Bước chuyển đổi này cùng một lúc đòi hỏi sự độc lập và sự phụ thuộc lẫn nhau. Mối liên hệ lẫn nhau có thể xác định như sự phụ thuộc lẫn nhau. Những quan hệ xã hội phụ thuộc lẫn nhau, chẳng hạn, các mối quan hệ trong công việc. Những nhà kinh doanh phụ thuộc vào sản phẩm mà những người công nhân sản xuất ra, những người công nhân phụ thuộc vào sự lãnh đạo nhà máy thành công của nhà kinh doanh. Như vậy sự phụ thuộc lẫn nhau là những trách nhiệm lâu dài và làm gắn kết mọi người với nhau (Enlligem, 1987).
Hình thành tính đồng nhất
Trước tuổi thiếu niên, chúng ta coi mình xuất phát từ một loạt những vai: bạn, thù, sinh viên, người thủ môn, người chơi đàn ghi ta, và cả trên cơ sở là thành viên của nhóm bạn tri kỷ, của câu lạc bộ hoặc là của nhóm bạn nào đó. ở giai đoạn này với khả năng nhận thức rộng hơn (Chương 11) cho phép chúng ta phân tích chúng, làm rõ các thành tố không phù hợp, xung đột, và sắp sếp lại các vai này, dần dần tiến gần tới sự đồng nhất của bản thân. Đôi khi chúng ta từ bỏ những vai trước đó; trong một số trường hợp chúng ta thiết lập những mối quan hệ mới với cha mẹ, anh chị em và những bạn cùng lứa. Erikson chỉ ra những cản trở cơ bản mà thiếu niên cần phải vượt qua để trở thành người lớn một cách thành công trong việc hình thành tính đồng nhất. Bước chuyển tiếp sẽ thuận lợi khi các em có biểu tượng rõ ràng về mình là ai, và về các biện pháp thích nghi với các mối quan hệ xã hội.

Các yếu tố ảnh hưởng tới đồng nhất. Nhiều ý tưởng của thiếu niên về vai trò và về giá trị được xác định bởi việc các em thuộc nhóm tham chiếu nào. Nhóm xã hội tham chiếu có thể gồm các cá nhân mà thiếu niên thường xuyên tác động qua lại và có mối quan hệ qua lại gần gũi. Những nhóm này có thể là những nhóm xã hội lớn hơn mà thiếu niên chia sẻ lý tưởng, chẳng hạn: tôn giáo, dân tộc, bạn cùng lứa hoặc là nhóm những người cùng sở thích, thậm chí là cả nhóm những người tán gẫu trên Internet. Không phụ thuộc vào số lượng thành viên, những nhóm tham chiếu có thể tán thành hoặc là bác bỏ những giá trị cũ của các em và đôi khi hình thành những giá trị mới.
Thiếu niên phải đồng tình với những nhóm tham chiếu khác nhau. Việc là thành viên của các nhóm ở thời thơ ấu một cách hiển nhiên - như gia đình, hàng xóm hoặc là cộng đồng tôn giáo không còn là điều sang trọng và thích thú như trước kia nữa. Nhiều khi các em cảm thấy mâu thuẫn về thái độ trung thực với gia đình, với những bạn cùng trang lứa và những nhóm tham chiếu khác.
Đôi khi, những giá trị và những mục đích của cá nhân nào đó, chứ không phải là của nhóm tham chiếu thu hút các em. Đó có thể là người bạn thân, thầy/cô giáo mà các em yêu quý, anh trai hoặc là chị gái, nhân vật trong phim, thể thao hoặc là một người nào đó có tư tưởng và hành vi làm cho thiếu niên khâm phục. Mặc dù nhân vật có ý nghĩa này có thể ảnh hưởng đến mọi giai đoạn của cuộc đời, nhưng nó ảnh hưởng đặc biệt tới lứa tuổi thiếu niên.
Như vậy, thiếu niên đóng rất nhiều vai do các nhóm tham chiếu và mọi người yêu cầu. Những vai này cần phải liên kết vào sự đồng nhất cá nhân, còn những thành tố mâu thuẫn trong các vai cần phải được hoà giải hoặc là loại bỏ. Quá trình này còn phức tạp hơn khi có mâu thuẫn về vai, chẳng hạn: mâu thuẫn giữa việc là thành viên của nhóm bạn cùng lứa và vai một người học trò tốt; hoặc là khi có mâu thuẫn giữa những người có uy tín khác, chẳng hạn: mâu thuẫn giữa anh trai hoặc là chị gái với người yêu.

Học thuyết đồng nhất của Ericson.Trong các nghiên cứu của mình, Ericson quan tâm nhiều tới vấn đề của thiếu niên và của những người mới trưởng thành. Công trình của ông về quá trình thiết lập "cảm xúc nội tâm về tính đồng nhất" đã ảnh hưởng lớn tới tâm lý học phát triển. Theo Ericson, việc hình thành tính đồng nhất thường là quá trình lâu dài và phức tạp của việc tự ý thức. Việc hình thành tính đồng nhất đảm bảo cho quá khứ, hiện tại và tương lai của cá nhân không bị gián đọan. Nó xác định việc tổ chức và thực hiện hành vi trong những lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Nó dung hoà thiên hướng và tài năng của bản thân cá nhân với những vai mà cha mẹ, bạn cùng lứa hoặc là xã hội giao cho trước đây. Nó cũng cung cấp nền tảng cho việc so sánh xã hội để giúp con người hiểu vị trí của mình trong xã hội. Kết quả là cảm giác đồng nhất mang lại xu hướng, mục đích và ý nghĩa cho cuộc sống của con người (Ericson, 1989)
Các kiểu hình thành tính đồng nhất. James Marcia phát triển học thuyết của Ericson và xác định 4 trạng thái khác nhau hay là 4 dạng hình thành tính đồng nhất. Các dạng hoặc là "các quy chế đồng nhất" bao gồm: quyết định sơ bộ, khuyếch tán, trì hoãn và đồng nhất. Bên cạnh đó, còn phải tính đến: Cá nhân có trải qua giai đoạn ra quyết định được gọi là khủng hoảng đồng nhất hay không? Cá nhân có chịu trách nhiệm về những lựa chọn như: hệ thống giá trị hoặc kế hoạch về nghề nghiệp trong tương lai hay không?
Dạng quyết định sơ bộ, thiếu niên nhận những trách nhiệm khi còn chưa đạt tới giai đoạn quyết định. Các em lựa chọn nghề nghiệp, các quan điểm tôn giáo, lý tưởng và các khía cạnh khác về sự đồng nhất của mình. Tuy nhiên, việc lựa chọn này các em đã làm sớm hơn và thường hay do bố mẹ hoặc thầy cô xác định chứ không phải là bản thân các em. Bước chuyển tiếp thành người lớn của các em diễn ra suôn sẻ và chỉ gặp những mâu thuẫn không đáng kể, nhưng trong bước chuyển tiếp này không có sự thử nghiệm tích cực.
Dạng khuyếch tán, thanh niên không có định hướng hoặc là thậm chí không có cả mong muốn định hướng. Những em này không bị khủng hoảng và không lựa chọn nghề nghiệp hoặc mã hành vi cho bản thân mình. Đơn giản là các em chốn tránh đụng chạm tới vấn đề này. Một số em thoả mãn một cách hời hợt (một cách vô bổ) những nhu cầu và mong muốn của mình; một số khác thực nghiệm những mục đích và những dạng hành vi khác nhau khi không có kế hoạch và mục đích cụ thể (Cote, Levine, 1988).
Những thiếu niên và những người mới trưởng thành ở dạng trì hoãn nằm ở khoảng giữa của khủng hoảng đồng nhất hoặc là ở giữa giai đoạn ra quyết định. Những quyết định này có thể liên quan tới việc lựa chọn nghề nghiệp, những giá trị tôn giáo hoặc là triết lý dân tộc. Thiếu niên dạng này khao khát "tìm kiếm bản thân"
Cuối cùng là đạt được đồng nhất. Đó là dạng đồng nhất đối với những người đã trải qua khủng hoảng đồng nhất và nhận những trách nhiệm của bản thân. Kết quả là họ tự lựa chọn công việc của mình và cố gắng sống theo những quy tắc đạo đức do chính mình thiết lập. Giai đọan này thường được xem như giai đoạn mong muốn nhất và trưởng thành nhất (Marcia, 1980).
Hệ quả của các dạng đồng nhất. Những kết quả nghiên cứu cho phép kết luận rằng dạng đồng nhất ảnh hưởng sâu sắc tới những mong đợi xã hội, hình ảnh "cái tôi" và phản ứng với sốc của thiếu niên. Ngoài ra, những nghiên cứu xuyên văn hoá ở Mĩ, Đan Mạch, Israel và ở những nước khác cho phép giả định rằng, ít nhất là đối với những nền văn hoá có giai đoạn thiếu niên kéo dài và định hướng theo chủ nghĩa cá nhân thì 4 dạng đồng nhất của Marcia là một phần của quá trình phát triển toàn diện. Hãy khảo sát 4 dạng đồng nhất tác động qua lại với một số vấn đề của lứa tuổi thiếu niên ở những nền văn hoá này như thế nào.
Lo âu là cảm xúc thống trị ở những thanh niên trong dạng trì hoãn, nó là hậu quả của việc trần chừ. Các em thường xuyên đấu tranh với những giá trị và những sở thích xung đột với nhau, thường xuyên gặp phải những điều bất ngờ và những điều mâu thuẫn. Các em có mối quan hệ lưỡng cực với cha mẹ; đấu tranh đòi tự do, các em sợ cha mẹ không hài lòng hoặc là tức giận khi không hài lòng với những hành động của các em. Nhiều sinh viên các trường cao đẳng nằm trong dạng trì hoãn.
Ngược lại, những thiếu niên ở dạng quyết định sơ bộ cảm thấy ít lo âu hơn. Những giá trị của các em độc đoán hơn so với những thiếu niên ở các dạng khác, các em có sự ràng buộc mạnh mẽ và tích cực với những người có ý nghĩa. Những nam thanh niên trong dạng quyết định sơ bộ có xu hướng đánh giá mình thấp hơn so với nam thanh niên ở dạng trì hoãn và những người khác dễ làm cho họ thay đổi quan điểm của mình trong vấn đề nào đó.
Có thể, dạng khuyếch tán thường hay gặp ở những thiếu niên do cha mẹ lạc hậu hoặc là không quan tâm, bỏ rơi hoặc là miệt thị các em. Các em có thể bỏ học, uống rượu hoặc sử dụng ma tuý. Những em có cha mẹ "thờ ơ" thường hay uống rượu nhiều hơn (Chương 8).
Những thiếu niên đạt được đồng nhất có cảm giác cân bằng với cha mẹ và với gia đình mình hơn. Việc tìm kiếm tự do của các em ít mang tính xúc cảm hơn so với những thiếu niên ở dạng trì hoãn và không có cảm giác bị cô lập và bị bỏ rơi như những em ở dạng khuyếch tán (Marcia, 1980).
Rõ ràng, số lượng người ở dạng đạt được đồng nhất tăng lên cùng lứa tuổi. ở lứa tuổi PTTH số lượng các em ở dạng khuyếch tán và quyết định sơ bộ nhiều hơn một cách đáng kể so với dạng trì hoãn và đạt được sự đồng nhất. Phụ thuộc vào khía cạnh xem xét, dạng đồng nhất cũng có thể khác nhau. Học sinh trung học phổ thông có thể nằm trong tình trạng quyết định sơ bộ đối với những ưu việt của giới tính, trong tình trạng trì hoãn đối với việc lựa chọn nghề nghiệp hoặc là niềm tin tôn giáo và trong tình trạng khuyếch tán đối với triết lý chính trị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét