Thứ Hai, 23 tháng 11, 2009

Căn bệnh tự bào chữa (phần 3)

2. Nhưng phải có trí tuệ thì mới thành công được chứ

Chứng bệnh “đổ lỗi cho trí lực” bằng lời than phiền “Tôi kém thông minh lắm” là rất thường gặp. Bạn có bất ngờ không, nếu biết căn bệnh này phổ biến đến mức 95% những người xung quanh bạn mắc phải, với các cấp độ khác nhau.


Khác với những dạng “tự bào chữa” khác, những người mắc bệnh này thường âm thầm chịu đựng. Chẳng mấy ai dễ dàng thừa nhận là mình kém thông minh. Thay vào đó, họ thường cảm nhận nó ở sâu xa bên trong tâm hồn.

Khi nhắc đến năng lực trí tuệ, hầu hết chúng ta thường mắc phải hai sai lầm cơ bản sau:

- Đánh giá quá thấp trí tuệ của mình

- Đánh giá quá cao trí tuệ của người khác

Thực ra, cách bạn sử dụng trí tuệ khi giải quyết một vấn đề quan trọng hơn nhiều lượng thông minh mà bạn có.

Tiến sĩ Edward Teller, một trong những nhà vật lý lỗi lạc nhất của Hoa Kỳ, khi được hỏi “Liệu một đứa trẻ có nên nỗ lực để trở thành một nhà khoa học không?”, ông đã trả lời: “Để trở thành một nhà khoa học, một đứa bé không cần phải có một bộ óc phản xạ nhanh như chớp, không cần một trí nhớ thần kỳ, cũng không cần những điểm số quá cao. Điều duy nhất quan trọng là đứa trẻ đó phải thực sự đam mê khoa học”.

Lòng đam mê, sự nhiệt tình luôn là những yếu tố quan trọng trong mọi lĩnh vực, kể cả trong khoa học.

Một người dù chỉ số IQ chỉ là 100 nhưng lúc nào cũng mang thái độ tích cực, lạc quan, sẵn sàng hợp tác thì chắc chắn sẽ có mức thu nhập khá hơn, được mọi người cảm phục, tôn trọng nhiều hơn, và cũng sẽ thành công hơn người có chỉ số IQ 120 nhưng lại luôn bi quan, tiêu cực và không có ý muốn hợp tác với mọi người xung quanh.

Chỉ cần có đủ niềm đam mê để thực hiện công việc đến nơi đến chốn – dù đó là việc vặt, hoặc một dự án lớn - ắt hẳn sẽ tốt hơn nhiều so với người có thừa trí tuệ nhưng không biết sử dụng vào việc gì. Khi có đam mê là bạn đã nắm được chắc chắn 95% khả năng thành công.

Tại sao một số người đặc biệt thông minh nhưng vẫn thất bại? Bao nhiêu năm nay, tôi chơi khá thân với một người có đầy đủ tố chất của một thiên tài, một bộ óc siêu việt, người thuộc Phi Beta Kappa. Mặc dù có trí thông minh bẩm sinh tuyệt đỉnh nhưng anh ấy lại là một trong số người ít thành đạt nhất mà tôi biết. Anh ấy có một công việc tàm tạm (vì sợ phải gánh nhiều trách nhiệm); chưa từng kết hôn (vì e ngại trước viễn cảnh của hàng loạt cuộc hôn nhân phải kết thúc ở tòa án); chỉ có vài người bạn (vì mọi người đều phát ngán khi chơi với anh ấy). Anh ấy cũng chẳng bao giờ chịu bỏ tiền đầu tư vào bất cứ một lĩnh vực nào (vì lo sợ sẽ mất tiền). Thay vì sử dụng bộ óc thiên tài của mình để tìm ra con đường dẫn đến thành công, người đàn ông này lại dùng để đưa ra những lập luận chứng minh mọi việc rồi sẽ chẳng đi đến đâu.

Chính vì anh ấy để cho ý nghĩ tiêu cực khống chế bộ não của mình nên rốt cuộc hầu như chẳng làm được gì, chẳng cống hiến được gì cho xã hội. Chỉ cần một chút thay đổi trong thái độ hay trong cách suy nghĩ, anh ấy sẽ làm nên nhiều điều vĩ đại, hữu ích. Anh ấy sở hữu một bộ não có thể mang lại thành công vang dội nhưng lại thiếu ý chí.

Theo thống kê, tại Mỹ cứ 100 người học đại học thì không đến 50 người tốt nghiệp. Tôi rất tò mò về thực trạng này nên đã đến hỏi trưởng ban tuyển sinh của một trường đại học lớn.

Ông ấy giải thích: “Không phải vì họ kém thông minh. Nếu họ thiếu khả năng tư duy, chúng tôi đã không nhận họ vào ngay từ đầu. Cũng không phải vấn đề học phí, vì mọi người đều trang trải được cho việc học của mình. Vấn đề nằm ở thái độ. Chắc ông sẽ ngạc nhiên khi biết rằng có rất nhiều bạn trẻ bỏ học chỉ vì không thích thầy giáo, không thích các môn phải học, hay không thích bạn bè cùng lớp”.

Nếp nghĩ tiêu cực chính là lý do làm cho cánh cửa dẫn đến những vị trí quản lý, điều hành cấp cao đóng chặt trước không ít các nhân viên trẻ. Không phải khả năng tư duy mà chính thái độ cáu kỉnh, tiêu cực, coi thường người khác đã níu chân họ lại. Như một chuyên viên cấp cao, thâm niên đã tâm sự với tôi: “Rất ít khi chúng tôi từ chối một người trẻ tuổi chỉ vì anh ta thiếu năng lực, mà thường do thái độ thiếu tích cực của anh ta.”

Thực ra, tính cách bẩm sinh mà chúng ta nhận được lúc sinh ra, chúng ta khó lòng hoán đổi hoàn toàn, song chúng ta vẫn có thể tạo ra sự thay đổi trong cách sử dụng tri thức.

Tri thức sẽ trở thành sức mạnh, nếu chúng ta sử dụng chúng một cách hợp lý. Chứng bệnh “đổ lỗi cho trí lực” thường đi liền với một số suy nghĩ sai lầm về tri thức. Chúng ta thường nghe mọi người nói tri thức là sức mạnh. Nhưng nhận định này chỉ đúng một phần, và chỉ dừng ở mức tiềm năng. Tri thức chỉ trở thành sức mạnh thực sự khi được sử dụng đúng cách, đúng mục đích.

Khi được hỏi “Một dặm tương đương với bao nhiêu bộ?”, nhà bác học Einstein đã trả lời: “Tôi không biết. Tại sao tôi phải nhồi vào đầu mình những con số mà tôi có thể dễ dàng tìm thấy ở bất cứ một cuốn sách tham khảo phổ thông nào!”

Einstein quả thực đã dạy chúng ta một bài học đáng giá. Ông luôn tin rằng mọi việc sẽ tốt hơn nhiều nếu chúng ta sử dụng trí óc để suy nghĩ, chứ không phải để làm nhà kho chứa những sự thật hiển nhiên.

Henry Ford đã từng một lần kiện báo Chicago Tribune vì tội phỉ báng khi gọi ông là kẻ ngu dốt. Ford bảo họ: “Các ông hãy chứng minh xem!”. Để đáp trả, tờ báo yêu cầu Ford trả lời vài câu hỏi đơn giản như: “Benedict Arnold là ai?”, “Cuộc chiến tranh Nam – Bắc diễn ra khi nào?” và một vài câu khác nữa. Vì không được đi học từ nhỏ nên hầu như Ford chẳng trả lời được câu nào.

Cuối cùng, Ford tuyên bố: “Tôi không thể trả lời được, nhưng chỉ cần 5 phút thôi, tôi sẽ tìm ra một người có thể trả lời tất cả.”

Henry Ford chưa từng quan tâm đến những thông tin đó. Nhưng ông biết những điều mà một giám đốc điều hành cấp cao cần phải biết: đó là khả năng tim kiếm và xử lý thông tin quan trọng hơn nhiều, so với việc sử dụng một bộ óc như một nhà kho để lưu trữ tất cả mọi thứ.

Một người chứa đầy những kiến thức sách vở, thực sự họ đáng giá bao nhiêu?

Vài ngày trước đây, tôi đã có một buổi tối thú vị bên một người bạn. Anh ấy hiện đang là giám đốc một doanh nghiệp sản xuất, tuy mới thành lập nhưng tốc độ phát triển rất nhanh và gặt hái được nhiều thành công. Trong lúc nói chuyện, chúng tôi tình cờ chuyển ti vi sang một trong những game show truyền hình được ưa thích nhất. Người chơi trong chương trình hôm đó trả lời được rất nhiều câu hỏi ở các lĩnh vực khác nhau, nhưng phần lớn chúng chẳng đều có ý nghĩa gì cả.

Sau khi anh ta trả lời xong một câu hỏi vớ vẩn gì đó về một ngọn núi ở Argentina, người bạn tôi hỏi: “Anh nghĩ tôi sẽ trả cho anh này bao nhiêu, nếu anh ta làm việc cho tôi?”

Tôi tò mò: “Bao nhiêu?”

“Ừm. Tôi sẽ trả đúng 300 đôla, không hơn không kém một xu! Không phải 300 đôla một tuần hay một tháng đâu, mà là một đời! Chắc anh ngạc nhiên lắm nhưng thực ra tôi đã tính kỹ rồi. Vị “chuyên gia” này của chúng ta không biết cách tư duy. Khả năng của anh ta chỉ là thu thập và lưu trữ thông tin trong bộ não của mình mà thôi. Thực chất, anh ta chẳng khác gì một cuốn bách khoa toàn thư “sống”. Với 300 đôla, tôi hoàn toàn mua được một cuốn bách khoa toàn thư tốt. Có lẽ 300 đôla là cũng…còn quá cao, bởi nếu thực tế là chúng ta có thể tra cứu đến 99% những điều anh chàng này biết trên google.com hầu như hòan toàn miễn phí.

Anh nói tiếp: “Tôi muốn cộng sự viên của mình phải là người biết cách giải quyết vấn đề, biết sáng tạo và tìm ra những ý tưởng mới. Họ phải biết ước mơ, sau đó biến ước mơ thành hành động cụ thể. Chỉ một người biết tư duy mới có thể cùng tôi kiếm tiền, còn một người chỉ biết đọc và lưu trữ mọi thứ trong đầu thì thực sự chẳng thể làm nên trò chống gì”.

Ba cách chữa trị căn bệnh đổ lỗi cho trí lực.

Dưới đây là ba cách khá đơn giản giúp chữa trị hoàn toàn chứng bệnh này:

1. Đừng bao giờ đánh giá quá thấp trí tuệ của mình, và cung đừng bao giờ đánh giá quá cao trí thông minh của người khác.

Hãy nhớ là không bao giờ được hạ thấp bản thân. Hãy quan tâm đến những gì bạn có, khám phá những khả năng còn tiềm ẩn trong con người bạn. Hãy nhớ rằng trí thông minh của bạn nhiều ít không quan trọng bằng việc bạn sử dụng nó như thế nào. Hãy sử dụng trí tuệ của mình một cách có ích, thay vì chỉ mãi lo lắng xem mình có thông minh hay không.

2. Mỗi ngày hãy tự nhắc nhở: “Thái độ mà bạn thể hiện quan trọng hơn nhiều so với trí thông minh bạn có”.

Dù trong công việc hay cuộc sống hàng ngày, hãy luôn suy nghĩ tích cực. Hãy cố gắng tìm ra những lý do để chứng minh bạn có thể làm được việc, thay vì bạn không thể. Hãy luôn giữ vững và phát huy tinh thần: “Tôi sẽ chiến thắng”, sử dụng trí thông minh của mình một cách hữu ích, sáng tạo để tìm ra con đường đi tới thành công, đừng để nó dẫn bạn đến thất bại.

3. Hãy nhớ rằng khả năng tư duy đáng giá hơn nhiều khả năng thu thập và lưu trữ kiến thức.

Hãy sử dụng bộ não để tư duy và phát triển những ý tưởng sáng tạo, để tìm ra con đường mới hơn, hợp lý hơn – bất luận bạn đang làm việc gì. Hãy luôn tự hỏi bản thân: “Ta đang sử dụng trí tuệ của mình để làm nên lịch sử, hay chỉ đơn giản là đang sử dụng nó để ghi lại lịch sử do những người khác lập nên?”

(còn nữa)

Trích Dám nghĩ lớn – David J.Schwartz. Ph.D

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét