Thứ Hai, 23 tháng 11, 2009

Căn bệnh tự bào chữa (phần 2)

4 biểu hiện cơ bản nhất của căn bệnh tự bào chữa

Căn bệnh tự bào chữa xuất hiện dưới rất nhiều hình thức khác nhau, nhưng nguy hiểm nhất chính là việc đổ lỗi cho sức khoẻ, trí tuệ, tuổi tác hoặc sự may rủi để tự biện hộ cho mình. Bây giờ, hãy xem chúng ta có thể tự bảo vệ mình thoát khỏi những biểu hiện này cách nào.





1. “Nhưng mà sức khoẻ của tôi không được tốt lắm”

Đổ lỗi cho sức khoẻ có rất nhiều mức độ, nhẹ thì: “Tôi thấy không được khoẻ lắm”, hoặc nặng hơn: “Tôi đang gặp bất ổn ở tim, gan, phổi, não…”

Cái nguyên cớ “sức khoẻ không tốt” vẫn hàng ngày được sử dụng làm lời bào chữa, mỗi khi ai đó không làm được những gì mình muốn, không dám nhận những trách nhiệm lớn hơn, không kiếm được nhiều tiền hơn, hay không thể đạt được thành công.

Hàng triệu người trên thế giới hiện đang mắc phải chứng bệnh này, nhưng liệu đây có phải là lý do chính đang trong đa phần các trường hợp hay không? Bạn có thể nhận thấy: tất cả những người thành đạt chưa bao giờ dùng sức khoẻ làm cái cớ cho những thất bại của mình.

John - một trong những người bạn thân nhất của tôi - hiện đang là giảng viên tại một trường đại học danh tiếng. Năm 1945, sau Chiến tranh thế giới thứ II, anh trở về từ Châu Âu và chỉ còn một cánh tay. Thế nhưng John luôn mỉm cười, sẵn sàng giúp đỡ người khác, lạc quan không kém bất kỳ người lành lặn nào. Có lần tôi và John nói chuyện rất lâu về tương lai và những trở ngại mà anh ấy sẽ gặp phải trong cuộc sống.

Anh ấy nhún vai, cười: “Mình chỉ mất có một cánh tay thôi mà. Đương nhiên còn hai thì chắc chắn tốt hơn một rồi. Tuy mất đi một cánh tay nhưng tinh thần mình không hề nao núng chút nào”.

Bạn đã bao giờ nhìn thấy một tay gôn cừ khôi chỉ có một cánh tay chưa? Vậy mà người bạn của tôi đã làm được điều đó. Một lần, tôi tìm hiểu xem làm cách nào anh ấy đã vượt qua sự mất mát để đạt được nhiều thành tích cao đến mức các tay gôn bình thường khác cũng chỉ mong đánh hay gần bằng anh. Anh chỉ cười và bảo: “À, tôi đã rút ra được một kinh nghiệm đắt giá: nếu có thái độ tích cực, lạc quan thì chắc chắn tôi có thể đánh bại những đối thủ có đầy đủ hai tay nhưng luôn mang thái độ tiêu cực”.

4 điều bạn có thể làm để vượt qua căn bệnh đổ lỗi cho sức khoẻ:

Loại vác-xin tốt nhất chống lại chứng bệnh này bao gồm 4 điều sau:

1. Hãy tránh nhắc đến sức khoẻ của bạn

Việc nói quá nhiều về một căn bệnh, dù chỉ là cảm lạnh thông thường, sẽ khiến bạn cảm thấy càng tồi tệ hơn. Việc nhắc đi nhắc lại về bệnh tật ốm yếu cũng giống như bón phân cho các hạt mầm “tiêu cực” vậy. Hơn nữa, suốt ngày than vãn về sức khoẻ của mình cũng chẳng phải là một thói quen tốt đẹp. Nó khiến mọi người phát chán vì khi đó bạn giống như một kẻ giả vờ, lúc nào cũng muốn mình là trung tâm của vũ trụ. Những người thành đạt luôn biết cách vượt qua xu hướng thông thường đó: họ chẳng bao giờ phàn nàn về bệnh tật của mình. Mọi người chỉ có thể cảm thông đôi chút khi thấy ai đó suốt ngày kêu cả về bệnh tật và sự ốm yếu của mình, song họ sẽ không bao giờ tôn trọng, hay hết lòng phục vụ những người như vậy cả!

2. Đừng quá lo lắng về sức khoẻ của mình

Tiến sĩ Walter Alvarez, cố vấn danh dự của Bệnh viện Mayo gần đây viết rằng: “Đối với những người suốt ngày chỉ ru rú trong nỗi sợ hãi, lo lắng, tôi đã phải khẩn cầu họ hãy rèn luyện cách kiểm soát bản thân hơn nữa. Ví dụ, một người đàn ông cứ khăng khăng bao rằng túi mật của mình không ổn, mặc dù tám bản phim chụp X-quang chỉ rõ anh ta hoàn toàn khoẻ mạnh. Tôi đã phải cố thuyết phục anh ta thôi không chụp X-quang nữa. Tôi cũng từng yêu cầu hàng trăm người khác dừng tất cả các xét nghiệm tâm đồ vì thực tế là tim họ hoàn toàn bình thường.”

3. Hãy cảm ơn cuộc sống vì bạn còn được khoẻ mạnh đến bây giờ

Có một câu nói đáng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần: “Tôi đã luôn ca cẩm chỉ vì mình có đôi giày lỗi thời cho đến ngày tôi gặp một người không còn chân để được mang giày”. Bởi thế, thay vì kêu ca than phiền “cảm thấy bất ổn”, bạn nên vui sướng, hạnh phúc vì mình vẫn khoẻ mạnh, lành lặn vào lúc này. Điều đó sẽ tốt hơn cho bạn rất nhiều. Liều vác-xin tốt nhất để tránh những cơn đau, bệnh tật đang giày vò, chính là thái độ lạc quan, sự mãn nguyện và lòng biết ơn vì sức khoẻ mà bạn hiện có.

4. Hãy thường xuyên tự nhắc nhở mình “Thà bị mòn còn hơn bị gỉ”

Cuộc sống là của chính bạn, hãy tận hưởng hết mình. Đừng lãng phí cuộc sống bằng những suy nghĩ vẩn vơ về bệnh tật.

(còn nữa)

Trích Dám nghĩ lớn – David J.Schwartz. Ph.D

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét