Thứ Hai, 30 tháng 11, 2009

CHỮA LÀNH NỖI ĐAU (You Can Heal Your Life) của Louise L. Hay

Trong cuộc đời vô tận mà tôi đang sống,
tất cả đều hoàn hảo và tốt đẹp tuyệt vời.

Tôi sống công bằng và hoà hợp với mọi người.

Từ trong sâu thẳm hồn mình,

tôi để tình yêu tuôn trào rạo rực,

bao phủ trái tim, cơ thể, tâm tư, tiềm thức.


Tôi là ngọn nguồn và cũng là những đại dương,

nơi khởi đầu và cũng là đích đến của tình yêu.

San sẻ càng nhiều, đón nhận càng bền lâu.

Suối nguồn tươi trẻ có bao giờ vơi cạn.

Tôi yêu chính mình, một tình yêu trìu mến,

Tôi chăm lo cho bản thân từ trang phục, đến cơ thể

với sức sống tràn đầy.

Tôi yêu chính mình với những nhu cầu,

như một căn nhà đầy đủ tiện nghi cần thiết.

Tiếng chuông ngân lên khi những người tôi quen biết,

bước chân vào và nhận được yêu thương.

Tôi yêu bản thân với việc làm yêu thích,

nơi cần đến khả năng và khối óc của mình.

Sẵn sàng sẻ chia, sẵn sàng đón nhận,

những chân tình và giá trị cho tôi.

Với suy nghĩ đáng yêu, cách cư xử biết điều,

tôi sẽ nhận lại gấp bội lần như thế.

Những gì là hôm qua, quá khứ,

tôi dang rộng vòng tay để buông bỏ và thứ tha.

Sống trọn vẹn với từng giây phút hiện tại,

là tôi biết rằng tương lai đã được định sẵn.

Tôi tự do và cảm nhận được niềm vui,

vì mình là đứa con của tạo hoá, do vũ trụ sinh ra.

Trong thế giới của tôi mọi sự đều tốt đẹp.

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2009

Căn bệnh tự bào chữa (phần 3)

2. Nhưng phải có trí tuệ thì mới thành công được chứ

Chứng bệnh “đổ lỗi cho trí lực” bằng lời than phiền “Tôi kém thông minh lắm” là rất thường gặp. Bạn có bất ngờ không, nếu biết căn bệnh này phổ biến đến mức 95% những người xung quanh bạn mắc phải, với các cấp độ khác nhau.


Khác với những dạng “tự bào chữa” khác, những người mắc bệnh này thường âm thầm chịu đựng. Chẳng mấy ai dễ dàng thừa nhận là mình kém thông minh. Thay vào đó, họ thường cảm nhận nó ở sâu xa bên trong tâm hồn.

Khi nhắc đến năng lực trí tuệ, hầu hết chúng ta thường mắc phải hai sai lầm cơ bản sau:

- Đánh giá quá thấp trí tuệ của mình

- Đánh giá quá cao trí tuệ của người khác

Thực ra, cách bạn sử dụng trí tuệ khi giải quyết một vấn đề quan trọng hơn nhiều lượng thông minh mà bạn có.

Tiến sĩ Edward Teller, một trong những nhà vật lý lỗi lạc nhất của Hoa Kỳ, khi được hỏi “Liệu một đứa trẻ có nên nỗ lực để trở thành một nhà khoa học không?”, ông đã trả lời: “Để trở thành một nhà khoa học, một đứa bé không cần phải có một bộ óc phản xạ nhanh như chớp, không cần một trí nhớ thần kỳ, cũng không cần những điểm số quá cao. Điều duy nhất quan trọng là đứa trẻ đó phải thực sự đam mê khoa học”.

Lòng đam mê, sự nhiệt tình luôn là những yếu tố quan trọng trong mọi lĩnh vực, kể cả trong khoa học.

Một người dù chỉ số IQ chỉ là 100 nhưng lúc nào cũng mang thái độ tích cực, lạc quan, sẵn sàng hợp tác thì chắc chắn sẽ có mức thu nhập khá hơn, được mọi người cảm phục, tôn trọng nhiều hơn, và cũng sẽ thành công hơn người có chỉ số IQ 120 nhưng lại luôn bi quan, tiêu cực và không có ý muốn hợp tác với mọi người xung quanh.

Chỉ cần có đủ niềm đam mê để thực hiện công việc đến nơi đến chốn – dù đó là việc vặt, hoặc một dự án lớn - ắt hẳn sẽ tốt hơn nhiều so với người có thừa trí tuệ nhưng không biết sử dụng vào việc gì. Khi có đam mê là bạn đã nắm được chắc chắn 95% khả năng thành công.

Tại sao một số người đặc biệt thông minh nhưng vẫn thất bại? Bao nhiêu năm nay, tôi chơi khá thân với một người có đầy đủ tố chất của một thiên tài, một bộ óc siêu việt, người thuộc Phi Beta Kappa. Mặc dù có trí thông minh bẩm sinh tuyệt đỉnh nhưng anh ấy lại là một trong số người ít thành đạt nhất mà tôi biết. Anh ấy có một công việc tàm tạm (vì sợ phải gánh nhiều trách nhiệm); chưa từng kết hôn (vì e ngại trước viễn cảnh của hàng loạt cuộc hôn nhân phải kết thúc ở tòa án); chỉ có vài người bạn (vì mọi người đều phát ngán khi chơi với anh ấy). Anh ấy cũng chẳng bao giờ chịu bỏ tiền đầu tư vào bất cứ một lĩnh vực nào (vì lo sợ sẽ mất tiền). Thay vì sử dụng bộ óc thiên tài của mình để tìm ra con đường dẫn đến thành công, người đàn ông này lại dùng để đưa ra những lập luận chứng minh mọi việc rồi sẽ chẳng đi đến đâu.

Chính vì anh ấy để cho ý nghĩ tiêu cực khống chế bộ não của mình nên rốt cuộc hầu như chẳng làm được gì, chẳng cống hiến được gì cho xã hội. Chỉ cần một chút thay đổi trong thái độ hay trong cách suy nghĩ, anh ấy sẽ làm nên nhiều điều vĩ đại, hữu ích. Anh ấy sở hữu một bộ não có thể mang lại thành công vang dội nhưng lại thiếu ý chí.

Theo thống kê, tại Mỹ cứ 100 người học đại học thì không đến 50 người tốt nghiệp. Tôi rất tò mò về thực trạng này nên đã đến hỏi trưởng ban tuyển sinh của một trường đại học lớn.

Ông ấy giải thích: “Không phải vì họ kém thông minh. Nếu họ thiếu khả năng tư duy, chúng tôi đã không nhận họ vào ngay từ đầu. Cũng không phải vấn đề học phí, vì mọi người đều trang trải được cho việc học của mình. Vấn đề nằm ở thái độ. Chắc ông sẽ ngạc nhiên khi biết rằng có rất nhiều bạn trẻ bỏ học chỉ vì không thích thầy giáo, không thích các môn phải học, hay không thích bạn bè cùng lớp”.

Nếp nghĩ tiêu cực chính là lý do làm cho cánh cửa dẫn đến những vị trí quản lý, điều hành cấp cao đóng chặt trước không ít các nhân viên trẻ. Không phải khả năng tư duy mà chính thái độ cáu kỉnh, tiêu cực, coi thường người khác đã níu chân họ lại. Như một chuyên viên cấp cao, thâm niên đã tâm sự với tôi: “Rất ít khi chúng tôi từ chối một người trẻ tuổi chỉ vì anh ta thiếu năng lực, mà thường do thái độ thiếu tích cực của anh ta.”

Thực ra, tính cách bẩm sinh mà chúng ta nhận được lúc sinh ra, chúng ta khó lòng hoán đổi hoàn toàn, song chúng ta vẫn có thể tạo ra sự thay đổi trong cách sử dụng tri thức.

Tri thức sẽ trở thành sức mạnh, nếu chúng ta sử dụng chúng một cách hợp lý. Chứng bệnh “đổ lỗi cho trí lực” thường đi liền với một số suy nghĩ sai lầm về tri thức. Chúng ta thường nghe mọi người nói tri thức là sức mạnh. Nhưng nhận định này chỉ đúng một phần, và chỉ dừng ở mức tiềm năng. Tri thức chỉ trở thành sức mạnh thực sự khi được sử dụng đúng cách, đúng mục đích.

Khi được hỏi “Một dặm tương đương với bao nhiêu bộ?”, nhà bác học Einstein đã trả lời: “Tôi không biết. Tại sao tôi phải nhồi vào đầu mình những con số mà tôi có thể dễ dàng tìm thấy ở bất cứ một cuốn sách tham khảo phổ thông nào!”

Einstein quả thực đã dạy chúng ta một bài học đáng giá. Ông luôn tin rằng mọi việc sẽ tốt hơn nhiều nếu chúng ta sử dụng trí óc để suy nghĩ, chứ không phải để làm nhà kho chứa những sự thật hiển nhiên.

Henry Ford đã từng một lần kiện báo Chicago Tribune vì tội phỉ báng khi gọi ông là kẻ ngu dốt. Ford bảo họ: “Các ông hãy chứng minh xem!”. Để đáp trả, tờ báo yêu cầu Ford trả lời vài câu hỏi đơn giản như: “Benedict Arnold là ai?”, “Cuộc chiến tranh Nam – Bắc diễn ra khi nào?” và một vài câu khác nữa. Vì không được đi học từ nhỏ nên hầu như Ford chẳng trả lời được câu nào.

Cuối cùng, Ford tuyên bố: “Tôi không thể trả lời được, nhưng chỉ cần 5 phút thôi, tôi sẽ tìm ra một người có thể trả lời tất cả.”

Henry Ford chưa từng quan tâm đến những thông tin đó. Nhưng ông biết những điều mà một giám đốc điều hành cấp cao cần phải biết: đó là khả năng tim kiếm và xử lý thông tin quan trọng hơn nhiều, so với việc sử dụng một bộ óc như một nhà kho để lưu trữ tất cả mọi thứ.

Một người chứa đầy những kiến thức sách vở, thực sự họ đáng giá bao nhiêu?

Vài ngày trước đây, tôi đã có một buổi tối thú vị bên một người bạn. Anh ấy hiện đang là giám đốc một doanh nghiệp sản xuất, tuy mới thành lập nhưng tốc độ phát triển rất nhanh và gặt hái được nhiều thành công. Trong lúc nói chuyện, chúng tôi tình cờ chuyển ti vi sang một trong những game show truyền hình được ưa thích nhất. Người chơi trong chương trình hôm đó trả lời được rất nhiều câu hỏi ở các lĩnh vực khác nhau, nhưng phần lớn chúng chẳng đều có ý nghĩa gì cả.

Sau khi anh ta trả lời xong một câu hỏi vớ vẩn gì đó về một ngọn núi ở Argentina, người bạn tôi hỏi: “Anh nghĩ tôi sẽ trả cho anh này bao nhiêu, nếu anh ta làm việc cho tôi?”

Tôi tò mò: “Bao nhiêu?”

“Ừm. Tôi sẽ trả đúng 300 đôla, không hơn không kém một xu! Không phải 300 đôla một tuần hay một tháng đâu, mà là một đời! Chắc anh ngạc nhiên lắm nhưng thực ra tôi đã tính kỹ rồi. Vị “chuyên gia” này của chúng ta không biết cách tư duy. Khả năng của anh ta chỉ là thu thập và lưu trữ thông tin trong bộ não của mình mà thôi. Thực chất, anh ta chẳng khác gì một cuốn bách khoa toàn thư “sống”. Với 300 đôla, tôi hoàn toàn mua được một cuốn bách khoa toàn thư tốt. Có lẽ 300 đôla là cũng…còn quá cao, bởi nếu thực tế là chúng ta có thể tra cứu đến 99% những điều anh chàng này biết trên google.com hầu như hòan toàn miễn phí.

Anh nói tiếp: “Tôi muốn cộng sự viên của mình phải là người biết cách giải quyết vấn đề, biết sáng tạo và tìm ra những ý tưởng mới. Họ phải biết ước mơ, sau đó biến ước mơ thành hành động cụ thể. Chỉ một người biết tư duy mới có thể cùng tôi kiếm tiền, còn một người chỉ biết đọc và lưu trữ mọi thứ trong đầu thì thực sự chẳng thể làm nên trò chống gì”.

Ba cách chữa trị căn bệnh đổ lỗi cho trí lực.

Dưới đây là ba cách khá đơn giản giúp chữa trị hoàn toàn chứng bệnh này:

1. Đừng bao giờ đánh giá quá thấp trí tuệ của mình, và cung đừng bao giờ đánh giá quá cao trí thông minh của người khác.

Hãy nhớ là không bao giờ được hạ thấp bản thân. Hãy quan tâm đến những gì bạn có, khám phá những khả năng còn tiềm ẩn trong con người bạn. Hãy nhớ rằng trí thông minh của bạn nhiều ít không quan trọng bằng việc bạn sử dụng nó như thế nào. Hãy sử dụng trí tuệ của mình một cách có ích, thay vì chỉ mãi lo lắng xem mình có thông minh hay không.

2. Mỗi ngày hãy tự nhắc nhở: “Thái độ mà bạn thể hiện quan trọng hơn nhiều so với trí thông minh bạn có”.

Dù trong công việc hay cuộc sống hàng ngày, hãy luôn suy nghĩ tích cực. Hãy cố gắng tìm ra những lý do để chứng minh bạn có thể làm được việc, thay vì bạn không thể. Hãy luôn giữ vững và phát huy tinh thần: “Tôi sẽ chiến thắng”, sử dụng trí thông minh của mình một cách hữu ích, sáng tạo để tìm ra con đường đi tới thành công, đừng để nó dẫn bạn đến thất bại.

3. Hãy nhớ rằng khả năng tư duy đáng giá hơn nhiều khả năng thu thập và lưu trữ kiến thức.

Hãy sử dụng bộ não để tư duy và phát triển những ý tưởng sáng tạo, để tìm ra con đường mới hơn, hợp lý hơn – bất luận bạn đang làm việc gì. Hãy luôn tự hỏi bản thân: “Ta đang sử dụng trí tuệ của mình để làm nên lịch sử, hay chỉ đơn giản là đang sử dụng nó để ghi lại lịch sử do những người khác lập nên?”

(còn nữa)

Trích Dám nghĩ lớn – David J.Schwartz. Ph.D

Căn bệnh tự bào chữa (phần 2)

4 biểu hiện cơ bản nhất của căn bệnh tự bào chữa

Căn bệnh tự bào chữa xuất hiện dưới rất nhiều hình thức khác nhau, nhưng nguy hiểm nhất chính là việc đổ lỗi cho sức khoẻ, trí tuệ, tuổi tác hoặc sự may rủi để tự biện hộ cho mình. Bây giờ, hãy xem chúng ta có thể tự bảo vệ mình thoát khỏi những biểu hiện này cách nào.





1. “Nhưng mà sức khoẻ của tôi không được tốt lắm”

Đổ lỗi cho sức khoẻ có rất nhiều mức độ, nhẹ thì: “Tôi thấy không được khoẻ lắm”, hoặc nặng hơn: “Tôi đang gặp bất ổn ở tim, gan, phổi, não…”

Cái nguyên cớ “sức khoẻ không tốt” vẫn hàng ngày được sử dụng làm lời bào chữa, mỗi khi ai đó không làm được những gì mình muốn, không dám nhận những trách nhiệm lớn hơn, không kiếm được nhiều tiền hơn, hay không thể đạt được thành công.

Hàng triệu người trên thế giới hiện đang mắc phải chứng bệnh này, nhưng liệu đây có phải là lý do chính đang trong đa phần các trường hợp hay không? Bạn có thể nhận thấy: tất cả những người thành đạt chưa bao giờ dùng sức khoẻ làm cái cớ cho những thất bại của mình.

John - một trong những người bạn thân nhất của tôi - hiện đang là giảng viên tại một trường đại học danh tiếng. Năm 1945, sau Chiến tranh thế giới thứ II, anh trở về từ Châu Âu và chỉ còn một cánh tay. Thế nhưng John luôn mỉm cười, sẵn sàng giúp đỡ người khác, lạc quan không kém bất kỳ người lành lặn nào. Có lần tôi và John nói chuyện rất lâu về tương lai và những trở ngại mà anh ấy sẽ gặp phải trong cuộc sống.

Anh ấy nhún vai, cười: “Mình chỉ mất có một cánh tay thôi mà. Đương nhiên còn hai thì chắc chắn tốt hơn một rồi. Tuy mất đi một cánh tay nhưng tinh thần mình không hề nao núng chút nào”.

Bạn đã bao giờ nhìn thấy một tay gôn cừ khôi chỉ có một cánh tay chưa? Vậy mà người bạn của tôi đã làm được điều đó. Một lần, tôi tìm hiểu xem làm cách nào anh ấy đã vượt qua sự mất mát để đạt được nhiều thành tích cao đến mức các tay gôn bình thường khác cũng chỉ mong đánh hay gần bằng anh. Anh chỉ cười và bảo: “À, tôi đã rút ra được một kinh nghiệm đắt giá: nếu có thái độ tích cực, lạc quan thì chắc chắn tôi có thể đánh bại những đối thủ có đầy đủ hai tay nhưng luôn mang thái độ tiêu cực”.

4 điều bạn có thể làm để vượt qua căn bệnh đổ lỗi cho sức khoẻ:

Loại vác-xin tốt nhất chống lại chứng bệnh này bao gồm 4 điều sau:

1. Hãy tránh nhắc đến sức khoẻ của bạn

Việc nói quá nhiều về một căn bệnh, dù chỉ là cảm lạnh thông thường, sẽ khiến bạn cảm thấy càng tồi tệ hơn. Việc nhắc đi nhắc lại về bệnh tật ốm yếu cũng giống như bón phân cho các hạt mầm “tiêu cực” vậy. Hơn nữa, suốt ngày than vãn về sức khoẻ của mình cũng chẳng phải là một thói quen tốt đẹp. Nó khiến mọi người phát chán vì khi đó bạn giống như một kẻ giả vờ, lúc nào cũng muốn mình là trung tâm của vũ trụ. Những người thành đạt luôn biết cách vượt qua xu hướng thông thường đó: họ chẳng bao giờ phàn nàn về bệnh tật của mình. Mọi người chỉ có thể cảm thông đôi chút khi thấy ai đó suốt ngày kêu cả về bệnh tật và sự ốm yếu của mình, song họ sẽ không bao giờ tôn trọng, hay hết lòng phục vụ những người như vậy cả!

2. Đừng quá lo lắng về sức khoẻ của mình

Tiến sĩ Walter Alvarez, cố vấn danh dự của Bệnh viện Mayo gần đây viết rằng: “Đối với những người suốt ngày chỉ ru rú trong nỗi sợ hãi, lo lắng, tôi đã phải khẩn cầu họ hãy rèn luyện cách kiểm soát bản thân hơn nữa. Ví dụ, một người đàn ông cứ khăng khăng bao rằng túi mật của mình không ổn, mặc dù tám bản phim chụp X-quang chỉ rõ anh ta hoàn toàn khoẻ mạnh. Tôi đã phải cố thuyết phục anh ta thôi không chụp X-quang nữa. Tôi cũng từng yêu cầu hàng trăm người khác dừng tất cả các xét nghiệm tâm đồ vì thực tế là tim họ hoàn toàn bình thường.”

3. Hãy cảm ơn cuộc sống vì bạn còn được khoẻ mạnh đến bây giờ

Có một câu nói đáng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần: “Tôi đã luôn ca cẩm chỉ vì mình có đôi giày lỗi thời cho đến ngày tôi gặp một người không còn chân để được mang giày”. Bởi thế, thay vì kêu ca than phiền “cảm thấy bất ổn”, bạn nên vui sướng, hạnh phúc vì mình vẫn khoẻ mạnh, lành lặn vào lúc này. Điều đó sẽ tốt hơn cho bạn rất nhiều. Liều vác-xin tốt nhất để tránh những cơn đau, bệnh tật đang giày vò, chính là thái độ lạc quan, sự mãn nguyện và lòng biết ơn vì sức khoẻ mà bạn hiện có.

4. Hãy thường xuyên tự nhắc nhở mình “Thà bị mòn còn hơn bị gỉ”

Cuộc sống là của chính bạn, hãy tận hưởng hết mình. Đừng lãng phí cuộc sống bằng những suy nghĩ vẩn vơ về bệnh tật.

(còn nữa)

Trích Dám nghĩ lớn – David J.Schwartz. Ph.D

Căn bệnh tự bào chữa (phần 1)

Bạn sẽ khám phá ra rằng những người không thành công luôn mắc phải một căn bệnh tinh thần - tạm gọi căn bệnh “tự bào chữa”. Hầu như ai cũng mang trong mình ít nhiều biểu hiện của căn bệnh này. Khi căn bệnh đã trở nên trầm trọng, chắc chắn người đó sẽ không tránh khỏi thất bại.




Căn bệnh tự bào chữa là nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt lớn giữa một người có khả năng và một người bất lực trong kiểm soát hành động và suy nghĩ của chính mình. Một người càng thành công bao nhiêu, lại càng ít tự biện hộ bấy nhiêu. Còn những người chưa gặt hái được thành quả gì trong hành lang cuộc sống, hoặc không hề có kế hoạch gì cho tương lai thì thường viện dẫn rất nhiều lý do để bào chữa cho hiện trạng của mình.

Khi quan sát, tìm hiểu những người dẫn đầu trong bất cứ lĩnh vực nào, dù là kinh doanh, giáo dục hay trong quân đội, bạn sẽ thấy: nếu muốn an phận, họ vẫn có thể đưa ra những lời biện bạch như người bình thường vẫn làm, nhưng họ chẳng bao giờ làm như vậy cả.

Quả thực, nếu muốn Roosevelt có thể viện cớ vào đôi chân tật nguyền của ông, Truman có thể biện bạch ông chưa hề được học đại học; cũng như Kennedy vẫn có thể kêu ca: “Tôi quá trẻ, làm sao làm tổng thống được!”; hay Johnson và Eisenhower có thể vin vào những cơn đau tim khủng khiếp thường xuyên để từ chối nhận lãnh trọng trách quốc gia.

Cũng giống như bất cứ căn bệnh nào khác, chứng “tự bào chữa” sẽ trở nên trầm tọng nếu không được chữa trị kịp thời, đúng cách. Thông thường, diễn biến tâm lý của một nạn nhân mắc phải căn bệnh này như sau: “Lẽ ra mình phải làm tốt hơn, phải tìm lý do gì đó mới được, chứ nếu không thì mất mất mặt lắm. Để xem nào, có thể là do sức khoẻ giảm sút? Do tuổi tác? Do hạn chế về mặt kiến thức? hoặc do chưa đủ kinh nghiệm? do kém may mắn? do ảnh hưởng từ chuyện gia đình? Hay do ảnh hưởng từ nền tảng giáo dục?”

Khi đã tìm được lý do “hợp lý” để tự bào chữa, anh ta ta sẽ bám riết lấy nó để biện minh với chính bản thân mình và với những người xung quanh, rằng đó chính là căn nguyên tại sao anh ta không thể thành công. Bạn nên biết một suy nghĩ, dù tích cực hay tiêu cực, cũng sẽ tạo nên một cường lực nếu được lặp đi lặp lại nhiều lần, sẽ càng lúc càng ăn sâu vào tiềm thức. Lúc đầu, có thể người bệnh hoàn toàn đủ tỉnh táo để nhận ra cái cớ mình đang dùng chẳng khác gì một lời nói dối nhưng lâu dần, chính bản thân anh ta cũng bị thuyết phục rằng đó thực sự là nguyên nhân tại sao anh ta không thể thành công.

Chính vì vậy, nếu bạn thực sự quyết tâm và muốn hướng đến thành công thì cần phải bắt tay ngay vào việc tự tạo ra một loại vắc-xin tiêu diệt tận gốc từng tế bào của căn bệnh nguy hiểm này.

Trích Dám nghĩ lớn – David J.Schwartz. Ph.D

Kiến tạo tương lai

Bạn sẽ trở nên nhỏ bé như ước vọng kiểm soát

và vĩ đại như khát vọng lớn lao của mình – James Allen

Qua các cuộc nghiên cứu, tôi nhận thấy có một đặc tính quan trọng mà tất cả những nhà lãnh đạo vĩ đại đều có: đó là tầm nhìn. Đã là lãnh đạo thì phải có tầm nhìn, nếu không sẽ không phải là một nhà lãnh đạo đích thực.




Như tôi đã nói, khám phá quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại chính là việc chúng ta sẽ trở thành điều mà mình thường xuyên nghĩ đến nhất. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Vậy những nhà lãnh đạo thường xuyên nghĩ về việc gì? Đó là tương lai và đích đến mà họ đang hướng tới, cũng như những điều mà họ có thể tiến hành để đạt được mục tiêu đó.

Trái lại với họ là những con người chỉ biết nghĩ về hiện tại, những niềm vui và những vấn đề trước mắt. Họ thường suy nghĩ và lo lắng về quá khứ, họ tin rằng những điều đã xảy ra là không thể thay đổi được.

Tố chất của nhà lãnh đạo là phải biết “định hướng tương lai”, nghĩa là họ luôn hướng về những điều họ muốn đạt được, đích muốn vươn lên ở một thời điểm nào đó trong tương lai. Một khi bạn bắt đầu nghĩ về tương lai của mình, nghĩa là bạn cũng bắt đầu suy nghĩ như một nhà lãnh đạo, và bạn sẽ sớm nhận được kết quả là những điều mình từng mong muốn.

Tiến sĩ Edward Banfield ở Đại học Harvard sau hơn 50 năm nghiên cứu về vấn đề này đã kết luận rằng, “tầm nhìn chiến lược” chính là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành bại trong đời sống cá nhân lẫn tài chính của tất cả chúng ta. Theo Banfield, tầm nhìn chiến lược là khả năng suy nghĩ trước một vài năm cho tương lai khi đưa ra những quyết định ở hiện tại. Thực vậy, bạn càng nghĩ nhiều đến tương lai, thì những việc bạn thực hiện trong hiện tại sẽ là tiền đề vững chắc để những dự định của bạn thành hiện thực.

Chẳng hạn, nếu mỗi tháng bạn để dành 100 đôla từ lúc 20 tuổi cho đến 65 tuổi và gửi tiết kiệm để hướng lãi suất trung bình 10% mỗi năm, thì bạn sẽ có hơn 1 triệu đôla lúc về hưu.

Đối với nhiều người, khoản tiền 100 đôla mỗi tháng không phải là vấn đề, mà vấn đề ở đây chính là họ có tầm nhìn chiến lược cho tương lai hay không. Từ ví dụ này, chúng ta có thể thấy mình có thể trở thành triệu phú trong tương lai nếu ngay từ bây giờ chúng ta bắt đầu tiết kiệm tiền đều đặn và kiên trì với tầm nhìn chiến lược về sự độc lập tài chính của mình.

Trong quá trình hoạch định chiến lược cá nhân, bạn cũng nên bắt đầu với tầm nhìn chiến lược về cuộc đời mình bằng cách lý tưởng hoá tất cả những điều bạn làm. Trong quá trình đó, bạn nên xây dựng một hình ảnh ấn tượng trong 5 năm cho chính mình và bắt đầu nghĩ về cuộc sống tương lai trong vòng 5 năm nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch.

Chướng ngại lớn nhất trong việc xác lập mục tiêu là “tự giới hạn niềm tin”. Điều này thường liên quan đến những lĩnh vực mà bạn nghĩ rằng khả năng của mình còn lại bị hạn chế. Bạn cho rằng mình không phù hợp với một lĩnh vực nào đo hay yếu kém về trí tuệ, năng lực, tài năng, khả năng sáng tạo hay một phẩm chất nào đó. Kết quả là bạn không thể phát huy hết năng lực của mình. Khi đánh giá thấp bản thân, bạn thường không thiết lập mục tiêu hoặc thiết lập nhưng không đúng tầm với khả năng thực sự của mình.

Bạn có thể phá bỏ những chướng ngại này bằng cách phối hợp qúa trình lý tưởng hoá và định hướng tương lai. Bạn hãy nghĩ rằng, không có giới hạn nào cho mình cả. Bạn hoàn toàn cảm thấy thoải mái về mặt thời gian, tin vào khả năng thể hiện năng lực bản thân để đạt được bất cứ mục tiêu nào do mình đề ra. Tóm lại, hãy tưởng tượng rằng bạn không gặp phải bất kỳ một giới hạn nào có thể cản trở bạn theo đuổi các mục tiêu thực sự quan trọng đối với bản thân.

Trong quá trình nghiên cứu về “những tài năng đỉnh cao”, Charles Garfield đã khám phá ra một điều hết sức thú vị rằng dù một người qua nhiều năm chỉ đạt được những kết quả trung bình trong cuộc sống lẫn công việc, nhưng sau đó vẫn có thể tạo nên bất ngờ và đạt được những thành quả to lớn. Họ làm được điều đó là vì ở “điểm cất cánh”, họ đã thực hiện điều mà ông gọi là “tư duy tầm cao”.

Theo phương pháp này, bạn hãy tưởng tượng tất cả mọi việc đều nằm trong tầm tay mình, đơn giản như việc ngửa mặt lên nhìn bầu trời trong xanh, không có giới hạn nào cả. Bạn hãy nghĩ về một cuộc sống hoàn hảo trong tương lai. Sau đó, bạn quay lại thời điểm hiện tại và tự hỏi: ngay từ bây giờ mình cần phải làm gì để tạo dựng một tương lai hoàn hảo như vậy?

Câu trả lời sẽ cho biết tương lai của bạn ở đâu.

Trích Chinh phục mục tiêu – Brian Tracy

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2009

9 công cụ “siêu” tìm kiếm có thể bạn chưa biết

Có thể bạn còn quá lạ lẫm đến những bộ máy tìm kiếm dưới đây, nhưng tất cả đều là những bộ máy “siêu” tìm kiếm, thậm chí nếu nói nó còn có “giá” hơn cả Google. Nếu như bạn không phải là tín đồ IT chuyên nghiệp thì việc sử dụng bộ máy tìm kiếm Google chỉ là một giải pháp nhất thời. Bởi vì trong quá trình tìm kiếm Google, Bing hay thậm chí Yahoo cũng chỉ trả về cho bạn kết quả chung chung mà thôi.
Dưới đây là 9 công cụ “siêu” tìm kiếm sẽ giúp bạn trải nhiệm những tính năng search “duy nhất”. Chúng sẽ trả về cho bạn kết quả chính xác hơn bạn tưởng.
1. iBoogie (http://www.iboogie.tv/)
Có thể nói phương thức tìm kiếm của iBoogie là quá mở rộng. iBoogie cung cấp cho bạn kết quả trả về như Web, Directory, Images và News...vv. Sau khi bạn đưa ra từ khoá, iBoogie trả về cho bạn rất nhiều chủ đề liên quan. Đặc biệt, bên góc trái cửa sổ làm việc của bạn, iBoogie trả về cho bạn những kết quả được xem là “gần gũi” nhất với từ khoá bạn đưa ra.
Điểm nổi bật của iBoogie là trả về cho bạn những kết quả riêng biệt và chính xác. Bằng cách này, iBoogie giúp bạn thu hồi khoảng cách tìm kiếm lan man và đưa ra kết quả gần gũi với từ khoá mà bạn đưa ra hơn.
2. Topsy (http://topsy.com/)
Topsy được ví như bộ máy “siêu nhỏ” chuyên tìm kiếm thông tin được mọi người trên mạng xã hội Twitter. Đây được xem là bộ máy tìm kiếm đa dạng và rất hữu ích hiện nay. Kết quả tìm kiếm trên Topsy được sắp xếp trật tự dựa trên mức độ phù hợp thông tin mà bạn hướng đến và cả nhận xét về những thông tin đó.
Bên cạnh đó, Topsy còn liệt kê cho bạn thấy 10 trang web phổ biến nhất hiện nay. Bạn chỉ cần lựa chọn vào trang bất kỳ thì mọi thông tin về đều “hướng” về trang đó. Như vậy, kết quả trả về của Topsy được nhiều người đánh giá là rất chính xác.
Với giao diện đơn giản và thân thiện, bạn sẽ không còn phải lo lắng đến việc tìm kiếm theo cách thức quá phức tạp như trước đây nữa.
3. Collecta (http://www.collecta.com/)
Collecta là bộ máy tìm kiếm nội dung trên Flickr, các comment trên những blog, Twitter, Jaiku (mạng xã hội ảo giống như Twitter), các bài viết blog cá nhân nữa. Bạn chỉ cần đưa ra từ khoá, Collecta sẽ trả về cho bạn những kết quả chính xác nhất.
4. Scoopler (http://www.scoopler.com/)
Scoopler có một giao diện khá đơn giản, với chức năng tìm kiếm thời gian thực. Tại giao diện của Scoopler cũng đưa ra những chủ đề hot trong tuần chẳng hạn như Hot Topics (chủ đề hot), Top Photos (những bức ảnh ấn tượng) và Top Videos (đoạn video hấp dẫn). Bạn chỉ cần đưa ra từ khoá lập tức bộ máy này trả về cho bạn rất nhiều chủ đề liên quan được cập nhật liên tục từ những trang web nổi danh khác.
Scoopler cung cấp cho bạn rất nhiều nguồn tin khác nhau như khoa học, giải trí, thể thao, game, chính trị...vv.
5. IceRocket (http://www.icerocket.com/)
Thoạt nhìn ta thấy IceRocket giống như là một công cụ chỉ nhằm đến mục đích giải trí đa phương tiện. Nhưng trên thanh công cụ ta thấy, người sử dụng có thể tìm kiếm các kết quả trên Blogs, Web, Twitter, MySpace, News, Images...vv. Bạn có thể tha hồ tìm kiếm trang cổng thông tin này.
6. GoodSearch (http://www.goodsearch.com/default.aspx)
Nghe tên có vẻ đây là bộ máy tìm kiếm rất hay, có giao diện hơi hơi giống bộ máy tìm kiếm Yahoo. GoodSearch hoạt động trên bốn lĩnh vực chủ đạo như Web, Images, Video và Shopping. Khi bạn đưa ra từ khoá tìm kiếm, GoodSearch sẽ trả về cho bạn rất nhiều chủ đề liên quan lý thú.
GoodSearch được mặc định lấy thông tin từ bộ máy tìm kiếm Yahoo, nhưng giao diện có thể làm bạn gỡ rối hơn so với Yahoo.
7. OneRiot (http://www.oneriot.com/)
OneRiot cập nhật liên tục các tin lấy từ những website nổi tiếng khác, ở giao diện bên dưới ta thấy được những tin tức được OneRiot đưa về rất kịp thời. Bạn chỉ cần đưa ra từ khoá và nhấn Search, lập tức OneRiot sẽ trả về nội dung liên quan đến từ khoá đó. Ngoài chức năng tìm kiếm website, OneRite còn cung cấp cho người dùng tìm kiếm những đoạn video một cách dễ dàng.
8. MetaCrawler (http://www.metacrawler.com/)
Có thể MetaCrawler còn quá lạ lẫm với bạn, nhưng MetaCrawler cũng được ví như các cỗ máy “siêu” tìm kiếm như Bing, Yahoo và có khi cả Google. MetaCrawler được tích hợp lấy kết quả tìm kiếm của các trang web của những công cụ tìm kiếm khác. MetaCrawler có chức năng mở rộng tìm kiếm như các bộ máy tìm kiếm khác chẳng hạn như Web, Images, Video, News...vv. Bạn có tha hồ tìm kiếm ở đây.
Ở góc phải giao diện, MetaCrawler hỏi bạn đang tìm kiếm cái gì đó và đưa ra những gợi ý “gần gũi” với từ khoá mà bạn đưa ra. Như vậy, chức năng này sẽ bổ xung cho bạn cách tìm kiếm chính xác hơn.
9. CrowdEye (http://www.crowdeye.com/)
Cũng giống như Topsy, CrowdEye cho phép bạn tìm kiếm thông tin do người sử dụng cung cấp trên Twitter. Nhưng “dữ liệu” của CrowdEye đa dạng hơn Topsy rất nhiều. Cũng tương tự như Topsy, CrowdEye bổ xung trên 20 website phổ dụng (ở thẻ CrowdEye Web - Top 20 Sites) cho phép bạn tìm kiếm thông tin chính xác nhất ở đó.
Ngoài ra, CrowdEye còn bổ xung thêm 20 đường link tìm kiếm “hot” nhất hiện nay. CrowdEye có một số lượng thông tin khổng lồ đang chờ bạn khám phá dần.
NGUYỄN HOÀNG (Tổng hợp)