Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2009

Tan man

Ba điều trong đời một khi đã đi qua không thể lấy lại được: + Thời gian + Lời nói + Cơ hội.

Ba điều trong đời không được đánh mất: + Sự thanh thản + Hy vọng + Lòng trung thực.

Ba thứ có giá trị nhất trong đời: + Tình yêu + Lòng tự tin + Bạn bè.

Ba thứ trong đời không bao giờ bền vững được: + Giấc mơ + Tài sản + Thành công.

Ba điều làm nên giá trị một con người: + Siêng năng + Chân thành + Thành đạt.

Ba điều trong đời làm hỏng một con người: + Rượu + Lòng tự cao + Sự giận dữ.

Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2009

Hãy dám sống với ƯỚC MƠ LỚN

Hạnh phúc của người sống có ước mơ là họ luôn có ước mơ để sống. Họ luôn tạo ra những điều tốt đẹp cho xã hội, cho mọi người và cho bản thân mình.

Nhiều người nói với tôi rằng, nếu tôi đặt ra cho mình ước mơ quá lớn thì sẽ khó mà đạt được. Tôi trả lời, khi bạn ý thức được đó là ước mơ thì việc đạt hay không không quan trọng, vì trong quá trình phấn đấu đạt ước mơ lớn ấy, bạn sẽ phải sử dụng hết năng lực của mình và vượt qua những vấp ngã trong cuộc sống và bạn sẽ cảm nhận niềm vui của việc sống với ước mơ.

Câu nói được lặp đi lặp lại trong bài diễn văn của mục sư M.Luther King "I have a dream” (Tôi có một ước mơ) đã trở thành bất hủ, và tôi thích câu nói đó. Đến khi chết vì bị ám sát, nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ này vẫn chưa thực hiện được ước mơ của mình. Nhưng đã có những người kế tiếp thực hiện ước mơ dang dở của ông.
“Tôi từng sống không ước mơ”

Tôi từng nghĩ kiếm nhiều tiền là ước mơ, lập được doanh nghiệp là ước mơ, nhưng không phải, đó chỉ là sự nhầm lẫn giữa ý thích, mục tiêu ngắn hạn và ước mơ mà thôi. Sống là phải biết kiếm tiền. Đã ước mơ thì phải ước mơ lớn và phải trung thành với ước mơ, vì vậy không dễ tìm ra được ước mơ của cuộc đời mình. Bạn muốn biết đó có phải là ước mơ cuộc đời hay không, thì hãy thử hàng ngày nhắc đến nó, hình dung ra nó và cảm nhận trái tim bạn rung lên bần bật. Đấy mới chính là ước mơ cuộc đời! Ước mơ ấp ủ trong tim nên không có ngoại cảnh nào tác động làm bạn thay đổi.

Nhưng nhiều người đang sống không có ước mơ. Tôi thời sinh viên cũng vậy. Gia đình tôi làm trong ngành y và đã hướng tôi vào trường y dù tôi không muốn. Ước mơ không có, năng khiếu không rõ, nên năm thứ ba đại học tôi quyết định đổi ngành, bất chấp sự ngạc nhiên lẫn khuyên can của mọi người từ bạn bè, thầy cô, đến ba mẹ. Vì không thích, không phù hợp với ngành học, không ước mơ đã khiến sức học của tôi xuống rất thấp, trở thành một sinh viên kém. Tôi thích lăn lộn ra ngoài xã hội hơn là gò bó trong môi trường đại học với phần đông sinh viên ít có tính hợp tác. Tôi muốn làm giàu, tôi muốn kiếm tiền nhưng nếu làm giàu bằng ngành y có vẻ hơi trái với lời thề Hiprocrat, cha đẻ ngành y, mà mọi sinh viên phải thuộc nằm lòng từ khi mới vào trường. Nghỉ học đại học là một quyết định khó khăn và cả dũng cảm nữa.

Bố mẹ gây áp lực bằng cách cắt lương. Tôi chấp nhận. Thật sự ngay từ bé tôi đã mê…kinh doanh, bằng cách thỉnh thoảng cho bạn xem bài, đổi lại bạn cho tôi kem. Đó là công bằng. Trong môi trường giáo dục VN, người ta ngại nói đến tiền bạc. Riêng tôi, tôi khuyến khích các bạn nhỏ học cách kiếm tiền hợp pháp, đúng với giá trị mình bỏ ra. Ở nước ngoài, vào những kỳ nghỉ, bố mẹ cho con đi xúc tuyết, rửa xe hàng xóm để kiếm tiền, để nhận biết giá trị của đồng tiền và cảm xúc khi có tiền trong tay – cảm xúc mà bất kỳ ai muốn kiếm tiền phải có. Tôi ngay từ nhỏ đã có thể tự tổ chức sinh nhật bằng tiền bán báo cũ hay tiền bố mẹ phát lương cho khi giữ công việc phát phiếu bệnh nhân khám bệnh ở phòng mạch của gia đình. Vào đại học, vừa học tôi vừa tham gia dịch thuật cho các báo theo một quy trình như kinh doanh cá nhân thực thụ với mức thu nhập khá tốt. Do đó, tôi đã tự tin khi từ bỏ ngành y.

Tôi tự mãn với công việc dịch thuật và khoản thu nhập của mình nhưng vẫn không hề có ước mơ. Năm 1994, tôi vào khoa quản trị kinh doanh của Đại học Mở Bán công TP.HCM, cũng với suy nghĩ như nhiều người bây giờ – muốn kiếm tiền phải học kinh doanh. Dịch thuật báo chí sang năm 2002 đã thoái trào. Tốt nghiệp đại học thủ khoa, tôi có thể xin ở lại trường dạy nhưng tôi không chọn cách đi này. Tôi không thích nói lại những gì người khác nói hoặc đọc trong sách, mà chưa hề qua trải nghiệm, ví như ta bảo “này cam chua lắm”, “sao anh biết?”, “tôi nghe nói thế!”. Tôi về làm biên tập viên ở một tòa soạn báo, vừa làm vừa học cao học để có bằng cấp.

Năm 2000, xong cao học, tôi bắt đầu con đường đi làm thuê qua nhiều công ty khác nhau để biết qua nhiều lĩnh vực trước khi làm chủ. Tôi làm việc nhiệt tình để trong thời gian ngắn nhất nắm chắc những gì cần biết ở mỗi công ty. 28 tuổi, tôi đã tự thiết kế chương trình dạy PR, ở thời điểm rất thịnh, và xin vào dạy ở một trung tâm, không phải dạy thuê mà dạy ăn chia phần trăm. Khi làm ở Prudential VN, ý muốn ra ngoài làm riêng của tôi bị chùng xuống vì địa vị khá tốt, công việc ổn định. Nhưng tôi gặp sự cố, phải nghỉ việc và tôi mất đi cái sự ổn định mà thật sự là không ổn định, đó là “ổn định trên sợi dây”, ổn định đích thực là ổn định do mình làm ra. Tôi quyết định tập trung trăm phần trăm cho công ty riêng của mình. Nhưng tôi vẫn chưa có ước mơ.
“Và tôi có ước mơ”

Ước mơ của tôi được nhận diện rõ vào cuối năm 2001, sau khóa học về huấn luyện tinh thần của Prudential. Đó là khóa huấn luyện cho người ta biết ước mơ, biết nuôi dưỡng niềm tin… Tôi quyết định đi theo con đường này vì đó là một lĩnh vực thú vị, hầu như chưa có ai làm ở VN. Ước mơ của tôi: Bất cứ gặp ai trong đời cũng mong muốn giúp họ thành công và hạnh phúc hơn. Tụi suy nghĩ kỹ: nếu cho người ta tiền, hết tiền người ta sẽ quay trở lại xin tiếp. Tôi thích câu chuyện Lưu Bình – Dương Lễ ở cái cách giúp bạn căn cơ của Dương Lễ: chỉ cho bạn thấy trách nhiệm sống là của từng người, không ai sống thay mình được. Ai đó nói “Tôi không cho người ta cá, không cho người ta cần câu, mà chỉ cách đi câu – tức chỉ cho cái nghề”. Nhưng chỉ cho người ta cái nghề thôi thì liệu người ta có vươn lên nổi không trước những cám dỗ trong cuộc sống để theo nghề nếu không cho họ một suy nghĩ mới? Nhà tù duy nhất của con người là nhà tù suy nghĩ mà, chỉ có suy nghĩ mới kìm hãm sự phát triển của con người! “Nếu bạn không thể nghĩ vượt lên được những gì bạn đang nghĩ thì bạn không thể làm hơn những gì bạn đang làm”. Bứt phá bằng tư duy, bằng suy nghĩ mới là quan trọng.

Tôi giúp người khác có suy nghĩ mới nên đã chọn nghề diễn thuyết tinh thần. Nghề này giúp cho tôi sống với khát vọng. Tôi là người không bài ngoại. Nguyên lý của tôi là trong một có tất cả, trong tất cả có một. Là một doanh nhân, nếu anh nói anh yêu dân tộc VN, đầu tiên anh phải yêu nhân viên của anh, giúp nhân viên của anh phát triển. Để tôi yêu con người VN, tôi phải yêu con người, bất kể là người của dân tộc nào. Tôi sống vị tha, rộng lượng. Đó là cái mới trong con người tôi từ khi tôi sống với ước mơ của mình. Đã là ước mơ thì không có ước mơ xấu. Tôi khám phá ra chân lý: để bạn giàu thì hãy giúp người khác giàu, để bạn hạnh phúc thì hãy giúp người khác hạnh phúc, để bạn thành công thì hãy giúp người khác thành công.

Nhưng trong đời sống hiện nay vẫn còn có những ước mơ bị giết chết ngay từ trong trứng nước. Nhiều người lớn chọn đời sống an phận, luôn nói với con cháu rằng hãy mơ vừa vừa thôi, trèo cao té đau. Đó là do ảnh hưởng tư tưởng của người phương Đông xưa, sống một đời sống an nhàn là một cuộc đời không hoài bão, không danh lợi. Cuộc sống bây giờ đã khác. Nếu đã ước mơ thì hãy ước mơ lớn. “Hãy ước mơ lờn đến tận trời xanh, nếu không đến được trời xanh thì bạn cũng đang ở giữa các vì tinh tú”. Tôi rất thích bóng đá và tôi yêu đội bóng đá VN, nhưng mục tiêu mà những người làm bóng đá VN đề ra là đứng đầu khu vực thì thật quá nhỏ bé. Chúng ta ước muốn nhỏ bé thì cách làm của ta sẽ nhỏ bé; còn nếu ước muốn lớn cách làm sẽ lớn. Có những ước mơ hết cuộc đời này người ước mơ không làm được, nhưng người khác sẽ đi tiếp chặng đường.

Tôi có nhiều ước mơ nhưng trong những ước mơ đó chỉ có duy nhất một ước mơ lớn. Đó là ước mơ về sự nghiệp – sự nghiệp của một diễn giả chuyên nghiệp. Tôi đang sống với ước mơ sẽ có một ngày diễn thuyết ở sân vận động với hai ba vạn người nghe, không chỉ bằng tiếng Việt mà cả tiếng Anh. Trong nghề diễn giả tinh thần, tôi thần tượng khả năng của Anthony Robbins diễn giả tinh thần người Mỹ, được xem là số 1 thế giới hiện nay, với mức thù lao lên tới 100.000USD/buổi. Đồng nghiệp nước ngoài nói với tôi rằng, tôi có thể trở thành diễn giả tiếng Anh khá, nhưng tốt nhất tôi hãy là diễn giả tiếng Việt quốc tế cho người Việt trên thế giới. Tất cả những ước mơ đều có thể trở thành sự thật, nếu chúng ta dám sống với ước mơ. Câu chuyện của Thống đốc bang California, tài tử Hollywood, lực sĩ đẹp hoàn vũ Arnold Schwarzengger khiến cho người ta mong muốn sống với mọi ước mơ của mỡnh. Arnold từ một cậu bé ốm yếu trở thành lực sỹ đẹp hoàn vũ, năm 1990 ông qua Hollywood với cái giọng Mỹ lai Áo khó nghe, nhưng với ước mơ làm chính khách, ông đã rèn luyện không ngừng và bây giờ thì Arnold là một trong những chính khách diễn thuyết giỏi!

Từ câu chuyện cuộc đời của Arnold, tôi tự hỏi tại sao mình không thể là một diễn giả tiếng Anh giỏi. Tôi chắc chắn làm được. Nhưng tôi không muốn rời xa đất nước này để đến một đất nước khác. Tôi muốn theo đuổi con đường mà tôi đã chọn, làm thế nào để diễn thuyết trở thành một nghề phổ biến ở VN và có trường đào tạo diễn giả. Ai đó nói với tôi rằng, bên cạnh những ước mơ đích thực còn có những ước mơ viễn vông. Đúng, ước mơ viễn vông là khi người ta nói những không dám sống với ước mơ. Có bạn trẻ nói với tôi, bạn ấy muốn bay. Tôi hỏi lại, bạn có tin là bạn bay được không? Trả lời: Không. Nếu bạn không tin mình thì làm sao bạn có thể thực hiện được ước mơ? Có một bác sĩ ngoại khoa người Brazil mất đi một bàn tay sau tai nạn động đất, nhưng ông ấy vẫn dám sống với ước mơ của mình, trở thành bác sĩ phẫu thuật giỏi với một bàn tay và một bàn tay khác được ghép từ bàn chân. Những người như bạn trẻ kể trên là những người luôn hoài nghi mình bé nhỏ, một mình thì không làm gì được. Đối với họ, thời gian vẫn trôi, cuộc đời vẫn ngắn ngủi, và họ cũng sẽ đi hết đời mà chẳng để lại dấu ấn gì cho cuộc đời mình cả. Với riêng tôi, không có ước mơ nào là viễn vông nếu bạn dám sống hết mình với ước mơ.

Hạnh phúc của người sống có ước mơ là họ luôn có ước mơ để sống. Họ luôn tạo ra những điều tốt đẹp cho xã hội, cho mọi người và cho bản thân mình.

Có người hỏi tôi, giữa hai sự lựa chọn: một là, bạn đặt ra từng ước mơ nhỏ và thực hiện nó dần dần sẽ tới ước mơ lớn; hai là đặt hẳn ra ước mơ lớn và cứ thế thực hiện, tôi sẽ chọn cách nào. Tôi nói, tôi sẽ đặt ra ước mơ lớn và vạch kế hoạch, lộ trình, mốc thời gian để đạt được nó. Tôi sẽ đi một cách hào hứng và nếu có ngã, ước mơ sẽ kéo tôi đứng lên đi tiếp. Tôi không sợ ước mơ sẽ ám ảnh mình mà tôi thấy hạnh phúc vì mỗi ngày tôi càng tiến gần đến đích của cuộc đời mình. Các bạn trẻ VN thường ít ước mơ bởi xã hội chúng ta ít ước mơ, giáo dục trong nhà trường không cho học sinh có những suy nghĩ bay bổng, trí tưởng tượng không được nuôi dưỡng, bố mẹ sống thực dụng nên khuyên con thực dụng, con cái không được nói những gì chúng muốn, chúng suy nghĩ mà phải nói những gì bố mẹ cho phép, nên nếu có ước mơ các bạn cũng giữ trong lòng mà không dám nói ra, để đến một ngày ước mơ chết đi vì không có sự chia sẻ.

Tôi là người theo nguyên lý cân bằng trong cuộc sống. Với tôi, người nghèo là người ngoài tiền bạc ra không có gì cả, nghèo tâm hồn, nghèo mối quan hệ, nghèo tình cảm, nghèo tinh thần… Cho nên, tôi là người giàu có, hạnh phúc và thành công. Tôi giàu có vì tôi có ước mơ lớn, tôi có sự cân bằng các mặt trong đời sống và không bao giờ sống dưới mức tiềm năng bất cứ một phút nào.

Nguyên Trần ghi - Báo Thể Thao Văn Hoá (26/12/2006

Đừng cầu mong cuộc sống dễ dàng, hãy cầu mong cho mình thêm sức mạnh

Người ta cần sự dũng cảm để sống vì tình yêu và cho tình yêu.

Sống thật với lòng mình, với những điều thiêng liêng mà có lúc bên ngoài không ai hiểu được, lắm khi là một thử thách không thể vượt qua của nhiều người. Rồi họ tạm nhẹ nhàng đó, nhưng rồi họ đau khổ dài lâu. Đừng bao giờ phản bội bản thân mình, vì khi bạn đánh mất chính bạn, bạn sẽ không còn gì cả. Nhưng vẫn cần sự khôn ngoan, tỉnh trí và minh triết! Đôi khi con người tìm thấy sự hạnh phúc trong cô đơn, một hạnh phúc rất thật, sâu thẳm nhưng có lúc không có người chia sẻ.

Mọi tình yêu đều thách đấu với lòng quả cảm, sự kiên trì, và trí khôn ngoan của chúng ta. Thử nghĩ tình mẫu tử, tình phụ tử cũng trải qua khó khăn như thế nào để đứa con và bố mẹ hiểu thấu được nhau. Tình yêu trai gái, rồi chồng vợ cũng bị đặt vào tình trạng “nguy biến” không biết bao lần cho đến khi hai bên thật sự thuộc về nhau. Có nhiều tình bạn cũng đứng trước vô vàn thử thách, tưởng chừng gãy đổ (như chuyện Lưu Bình - Dương Lễ), nhưng rồi lại sum họp. Nhiều tình yêu đức tin cũng “nằm gai nếm mật”. Đừng để như thiếu phụ Nam Xương đau khổ trẫm mình tự vẫn vì thiếu...khôn ngoan. Khi ta làm mọi việc vì tình yêu, vì mục đích cao đẹp, trong sự tỉnh táo và sáng suốt, mọi phương tiện đều được biện minh.

Trước hết, hãy SỐNG TRỌN VẸN và CÓ TRÁCH NHIỆM với CHÍNH BẢN THÂN MÌNH!

Cập nhật: 26/10/2009 | comments (0)
Mỗi sáng thức dậy, điều đầu tiên bạn nghĩ đến là gì? Dậy hay “nướng” thêm chút nữa? Điểm tâm bằng bún hay bánh mì? Mặc váy hay vest đi làm? Kiểu tóc nào thì thích hợp cho một ngày nắng?... Còn với những người thành công, bạn có biết họ bắt đầu một ngày mới như thế nào không? Họ sẽ tự hỏi: “Hôm nay, mình phải sống 24 tiếng đồng hồ như thế nào để không một phút nào trôi qua vô nghĩa?”. Bạn sẽ sống có trách nhiệm và trọn vẹn hơn với chính mình chỉ khi bạn khởi đầu một ngày với điều băn khoăn trên!

Ngày nay, nhiều bạn trẻ tự hào vì khả năng tiếng Anh đạt “đẳng cấp quốc tế”, việc tìm kiếm thông tin từ internet và sử dụng những tiện ích của nó chỉ là “chuyện nhỏ”. Đồ dùng “đính kèm” trong ba lô của giới trẻ là điện thoại di động đa chức năng, latop thời thượng, iPod sành điệu vừa có mặt trên thị trường…

Vượt trên tất cả, điều tôi mong muốn là các bạn hãy tự đặt cho mình câu hỏi: Đến bao giờ tôi mới có thể tạo ra một sản phẩm hay một ứng dụng để mọi người cùng sử dụng nó chứ không thể mãi sống như “bản copy” từ người khác?

Các bạn trẻ nên dành ra 3 giờ đồng hồ ngồi mỗi tuần để ngồi ở một nơi hoàn toàn yên tĩnh hoặc với âm nhạc không lời, êm dịu, nhẹ nhàng - tĩnh tâm và nghĩ thật sâu sắc về những điều sau đây:
Một ngày, bạn đã hít bao nhiêu lít không khí?
Một ngày, bạn tiêu thụ hết bao nhiêu kilogram lương thực?
Một ngày, bạn đã nhận được bao nhiêu sự giúp đỡ từ cuộc sống xung quanh?
Một ngày, bạn đã sử dụng bao nhiêu sản phẩm từ mồ hôi, trí tuệ, công sức của người khác?

Khi ý thức được những điều trên thì một câu hỏi nảy sinh là: bạn phải làm gì để xứng đáng với những điều cuộc sống ban tặng cho bạn mỗi ngày, làm gì để xứng đáng với việc bạn được sinh ra và chiếm dụng một diện tích cố định trên trái đất này?

Trong những buổi diễn thuyết, một câu hỏi mà tôi thường đặt ra cho người tham dự là: “Các bạn có sợ chết không?”. “Có” là câu trả lời tôi nhận được. Câu hỏi tiếp theo: “Liệu bạn có quyết định được ngày chết của mình không?”. Dĩ nhiên điều này là không thể, cả cách chết cũng vậy, bạn không có sự lựa chọn! Vậy cái gì sẽ quyết định cuộc sống của mỗi chúng ta? Câu trả lời duy nhất chỉ có ở bạn, do bạn, đó là cách bạn sống mỗi ngày trong cuộc đời này. Chính vì thế, hãy sống một cách trọn vẹn, có trách nhiệm, sống hết mình, cam kết 100% với chính bản thân mình về những việc bạn làm và kết quả nhận được.

Cuộc đời tôi đã thay đổi ngoạn mục kể từ khi tôi sống với nguyên lý kể trên.

Những cuộc gặp gỡ bạn bè luôn là những giây phút đáng nhớ vì tôi biết dành trọn niềm vui cho thời gian được ở bên nhau.

Những món tôi ăn đều ngon hơn vì tôi biết dùng tất cả các giác quan để thưởng thức: mắt để ngắm nhìn màu sắc và cách bày trí thức ăn; tai lắng nghe những âm thanh phát ra từ nơi người đầu bếp đang chế biến chúng; mũi để ngửi thấy mùi thức ăn, mùi gia vị; lưỡi để nếm vị thanh, vị đậm, vị béo, vị ngọt từ những nguyên liệu trong đó… Tôi ăn không phải chỉ để no, để đầy đủ dinh dưỡng, mà khi ăn, tôi thưởng thức và cảm nhận những tinh hoa đất trời hội tụ trong đó, cảm nhận được nghệ thuật và tấm lòng của người đầu bếp đặt vào món ăn đó.

Trong học tập, tôi tiếp thu nhanh chóng và đạt kết quả vượt bậc. Cho dù thầy không thật xuất sắc, thì tôi vẫn luôn là trò giỏi và tìm cách học được nhiều nhất từ người thầy này. Vì tôi luôn mong muốn học 100% nên tôi không từ chối bất cứ một cơ hội học hỏi nào từ thầy, từ bạn, từ sách vở, từ cuộc sống, và không ngừng đặt câu hỏi về những vấn đề liên quan đến công việc mình đang làm để luôn đi tìm câu trả lời và những giải pháp tốt nhất. Đây là cách mà các bạn trẻ trong cuộc sống hiện đại nên theo.

Cuộc sống này có quá nhiều lựa chọn; vì vậy, các bạn trẻ rất dễ bị cám dỗ, xao nhãng, phân tâm. Họ dành rất nhiều thời gian để làm những việc không có ích cho tương lai, rời xa mục tiêu và mơ ước đã đặt ra cho cuộc đời chính mình, để rồi mỗi ngày trôi qua đều vô nghĩa, và họ lao đi tìm niềm vui. Vì thế mà ngành công nghệ giải trí phát triển không ngừng nhưng chẳng thể đáp ứng nhu cầu khỏa lấp nỗi buồn nơi con người. Chỉ khi bạn biết sống trọn vẹn, dám chịu trách nhiệm 100% với mọi kết quả trong đời thì đó mới là cách sống có ý thức.

Trong những cuộc gặp gỡ, nói chuyện với giới trẻ, tôi thường nghe rất nhiều câu than vãn, trách cứ, chán nản: cuộc sống hôm nay quá phức tạp, những điều kiện xung quanh luôn lỗi thời, người tốt sao quá ít…! Chính người lớn còn bối rối trong cách sống thì không thể trách các bạn trẻ không tìm ra cuộc sống của chính mình. Thế nhưng, điều tôi luôn muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ là cuộc đời của bạn được quyết định bởi chính cách các bạn đang sống. Kết quả bạn nhận được sau cùng luôn bằng tổng kết quả những lần bạn đã sống trọn vẹn và có trách nhiệm với chính bản thân mình. Vì vậy, nếu bạn chọn cách hằn học với cuộc sống, buông thả bản thân, xem đó là cách phản ứng duy nhất trước những điều không may trong cuộc đời này thì hãy nhìn lại! Quyết định đó là của bạn, không ai có thể ảnh hưởng đến nó, và mọi kết quả bạn nhận được chỉ duy nhất mình bạn gánh chịu mà thôi!

Khi bước qua tuổi 18, ngoài sức trẻ, ngoài trí tuệ vốn có, bạn còn là người đã trưởng thành. Lúc này, bạn có quyền suy xét và nghĩ suy nhiều hơn về sứ mệnh của mình. Chỉ khi khám phá ra lẽ sống thực sự khiến bạn có mặt trên đời này thì khi đó, bạn mới xứng đáng được xem là niềm kỳ vọng của đất nước.

Những người lớn chúng tôi chỉ có một con đường duy nhất là đặt kỳ vọng vào các bạn, những người trẻ tuổi! Thế nhưng điều mà chúng tôi không ngừng hy vọng đó là các bạn biết sống trọn vẹn và có trách nhiệm 100% với bản thân mình trước, rồi cuộc sống sau đó chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn!

Tự tin từ GIÁ TRỊ SỐNG

Cập nhật: 29/10/2009 | comments (0)
Theo bạn, thế nào là người tự tin? Đó là một doanh nhân với vẻ ngoài lịch lãm, đi chiếc xe đắt tiền và đến những nơi sang trọng? Sự thực thì tự tin đích thực của một con người không thể đến từ bên ngoài.

Nếu bạn cho rằng mình tự tin vì những vật đang sở hữu, hay vì doanh nghiệp bạn đang điều hành hàng năm mang về khoản lợi nhuận khổng lồ, thì bạn dễ dàng mất tự tin khi gặp một người giàu có hơn mình và thành công hơn mình.

Bạn đang sở hữu chiếc điện thoại Vertu Signature vỏ platinum, được bán với giá 32.000 USD. Chiếc điện thoại có thể xem là “đỉnh” nhất, được giới triệu phú ưa dùng và bạn tự tin khi “dắt” nó bên mình. Nhưng chỉ vài tháng sau, hàng loạt những mẫu điện thoại mới ra đời với đa dạng tính năng, giá cả; liệu chiếc Vertu của bạn có còn là “hàng đinh”?

Vậy thế nào là tự tin đích thực? Người tự tin phải là người trả lời được các câu hỏi sau: Mình là ai? Mình sống trên đời này để làm gì? Đích đến trong cuộc đời mình ở đâu? Khi đang đi trên đường và gặp một bùng binh với nhiều ngã rẽ, bạn sẽ lúng túng nếu không biết mình cần đi tới đâu và phải rẽ ngả nào. Nếu bạn đã xác định rõ mục tiêu của mình, điều duy nhất bạn cần làm lúc này là an tâm tiến bước. Tự tin đích thực cần sự bình an, thoải mái và yên vui trong nội tâm.

Số đông ngày nay đo lường sự tự tin của một doanh nhân bằng lợi nhuận hay quy mô doanh nghiệp đó gặt hái trong từng thời kỳ. Điều này dẫn đến một hệ quả là chỉ những doanh nhân xây dựng được một doanh nghiệp lớn, gặt hái nhiều thành công trong kinh doanh mới có thể tự tin! Kỳ thực những điều này chưa đủ để viết nên câu chuyện về một con người!

Ý niệm thành công trong thời đại mới đối với một người là đạt sự cân bằng, tức là gặt hái kết quả tốt trên nhiều mặt của cuộc sống như tài chính, trí tuệ, sức khỏe, gia đình, đời sống cộng đồng, tâm linh… Vậy khi loại bỏ những yếu tố thuộc về thành quả vật chất như bằng cấp, địa vị, ngoại hình, vóc dáng, quần áo… điều còn lại của một người là ước mơ, hoài bão, mục đích sống, những chuẩn mực sống mà họ đặt ra cho mình và tôn trọng suốt đời. Đó là những thứ không ai có thể tước đoạt khỏi họ.

Một người khi biết sống với ước mơ, sứ mạng, hoài bão của mình, họ sẽ rất giàu sinh khí. Họ không bận tâm người khác nghĩ gì về mình mà chỉ bận tâm về con đường và ước mơ mà họ hướng đến. Họ sống thanh thản trong cuộc đời, không sợ nhanh hay chậm vì họ biết rằng cuối cùng, mình sẽ đến đích. Họ luôn biết rõ mình là ai, mong muốn gì và mục đích cuộc sống của mình là gì.

Chỉ khi bạn hiểu rõ các giá trị sống của bản thân, bạn sẽ tạo dựng cho mình một nền tảng tự tin chắc chắn. Nhiều người trong chúng ta vẫn bối rối, không biết đưa ra quyết định như thế nào trong một số tình huống khó xử. Bạn không biết mình nên làm hay không làm, chọn hay không chọn, theo hay không theo vì bạn chưa định hình được giá trị sống làm chuẩn mực để ra quyết định.

Nếu giá trị sống bạn chọn là yêu thương thì trong trường hợp phải lựa chọn giữa yêu thương và vật chất, bạn sẽ chọn yêu thương. Nếu giá trị ưu tiên của bạn là phát triển bản thân thì khi phải lựa chọn giữa có tiền trước mắt hay phát triển bản thân, bạn sẽ chọn phát triển bản thân. Nếu giá trị quan trọng của bạn là gia đình thì khi gia đình được đem ra đặt cược với công việc, sự nghiệp, chắc chắn bạn sẽ chọn gia đình.

Tự tin đích thực chỉ có thể xuất phát từ bên trong con người bạn. Vì thế, hãy xác định rõ chân dung nội tâm của mình, hình ảnh một con người bạn muốn trở thành và an tâm sống với những gì bạn đã chọn. Như thế, bạn sẽ vui sống giữa đời, bất chấp mọi bon chen, so sánh, đố kị bởi bạn biết bạn đang đi trên con đường của riêng mình!

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2009

Những nguyên tắc trong giao tiếp của chị em văn phòng

1. Không nên có quan hệ riêng tư ngoài công việc

Thông thường bạn bè là người chúng ta nghĩ đến đầu tiên khi gặp khó khăn, nhưng bạn tốt đến đâu cũng gặp phải những rắc rối về lợi ích cá nhân và dễ gây nên mâu thuẫn.



Mối quan hệ quá mức riêng tư giữa các đồng nghiệp giống như bom hẹn giờ, khi lợi ích cá nhân bị xâm phạm sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ này.



2. Nhiệt tình với đồng nghiệp

Học cách mỗi ngày đến công ty luôn vui vẻ chào hỏi đồng nghiệp. Không nên phân biệt cấp trên, dưới giữa tổng giám đốc, chủ quản, nhân viên phòng tài liệu, bảo vệ hay nhân viên dọn vệ sinh…Bạn cần nhớ rằng, tôn trọng người khác chính là tôn trọng bản thân.



3. Thường xuyên khen ngợi người khác

Chăm sóc vẻ bề ngoài chu đáo chính là sự khởi đầu công việc tốt đẹp, trang phục hợp lý, trang điểm điềm đạm, tạo tâm trạng thoải mái giữa đồng nghiệp và không khí vui vẻ trong văn phòng. Đừng quên khen ngợi đồng nghiệp, không nên ngại ngùng bởi thực tế mọi người luôn sẵn lòng chấp nhận những lời khen.



4. Thường xuyên giao lưu và luôn tôn trọng sếp

Không ít nữ nhân viên xa lánh các nam lãnh đạo do sợ bị người khác bàn tán. Thực tế, quá trình giao lưu với đồng nghiệp sẽ tạo nên không khí làm việc thuận lợi. Đương nhiên thời gian tốt nhất để tiếp xúc với cấp trên chính là khi làm việc, ví dụ cùng ăn trưa.



5. Tặng quà và tạo mối quan hệ thân thiết

Hãy tặng quà cho đồng nghiệp khi họ có tin vui như thăng chức, sinh nhật hay nhận bằng cấp…để thể hiện thiện ý của bạn . Một hộp kẹo sô cô la, lọ nước hoa, ví đựng tiền… món quà tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn.



6. Hiệu quả công việc thay đổi hình tượng không tốt

Những nữ nhân viên xinh đẹp thường bị coi là bình hoa di động, do đó họ cần chăm chỉ nỗ lực làm việc. Thể hiện được quan điểm bản thân, thái độ rõ ràng, dám chịu trách nhiệm và thành thật trong công việc luôn tốt hơn hành vi bao biện.

Thứ Hai, 19 tháng 10, 2009

Thơ 20-10, đọc khi vợ vắng nhà

Vợ là mẹ các con ta

Thường kêu bà xã, hiệu là phu nhân

Vợ là tổng hợp: bạn thân

Thủ trưởng, bảo mẫu, tình nhân, mẹ hiền..

Vợ là ngân khố, kho tiền

Gửi vào nhanh gọn, hơi phiền rút ra

Vợ là biển cả bao la

Đôi khi nổi sóng khiến ta chìm phà

Vợ là âm nhạc, thi ca

Vừa là cô giáo, vừa là luật sư

Cả gan đấu khẩu vợ ư?

Cá ươn không muối, chồng hư cãi vờ (vợ)

Chồng ơi! Đừng có dại khờ

Không vợ, đố biết cậy nhờ tay ai?

Vợ là phước lộc thọ tài...

Thuộc trăm định nghĩa, trả bài vợ khen

Vợ là thượng cấp chỉ huy

Là người lãnh đạo, bảo gì, chồng vâng!

Vợ là bà... mẫu, ông... thân

Sớm hôm hiếu thảo, ân cần dám quên

Vợ là cảnh sát ven biên

Chồng mà "đi lạc”, bắt liền, điều tra!

Vợ là nội tướng trong nhà

Đồng hồ luôn kiểm, giúp ta đúng giờ

Vợ là chủ nợ ngây thơ

Cho chồng tháng tháng ngon ơ, nộp tiền

Vợ là thư kí rất siêng

Thư từ, ngăn kéo toàn quyền moi ra

Vợ còn đại diện quan toà

Bắt tội phải nhận, bảo tha được nhờ

Vợ là bà chủ căn cơ

Quen mồm sai vặt, con thơ ngại bồng

Vợ còn là những cơn giông

Thổi chồng ra ngủ sa lông là thường

Vợ là cung cách đế vương

Áo quần sang trọng, đúng đường văn minh

Vợ với Táo chẳng thân tình

Chồng bèn một bếp một mình quyền uy

Phát thanh đài vợ rất chì

Cằn nhằn trăm chuyện phát đi đêm ngày

Vợ là võ sĩ cao tay

Ngọn quyền, môn cước nàng hay thử chồng

Vợ là... đủ thứ biết không?

Nếu mà muốn định nghĩa xong, cả đời

Để sự thay đổi không “giữa đường đứt gánh”

Hệ quả của cuộc suy thoái đang khiến những người lạc quan nhất cũng phải lo lắng. Việc những dự án mới vẫn bế tắc giống như thị trường chứng khoán và tắc nghẽn giao thông khiến giới lãnh đạo "như có lửa đốt trong lòng" dù anh ta là người đầy nhiệt huyết và gan dạ.

Doanh thu không bù lỗ được. Khách hàng giảm sút khiến bạn mất đi những người ủng hộ và làm gián đoạn việc giao tiếp liên lạc. Công nhân thì mệt mỏi và dễ bị kích động. Danh sách những người xin ngân sách ngày càng nhiều. Tất cả những chuyện đó khiến bạn băn khoăn liệu có nên xem xét việc từ bỏ không...

Thông thường người ta thường yêu thích sự phấn chấn lúc khởi đầu và một kết thúc có hậu. Duy chỉ có giai đoạn giữa chừng là thường gặp phải khó khăn. Vậy xin chào mừng những người đã đến giai đoạn giữa chừng với vô vàn gian khó.


Tôi đã rút ra nguyên tắc này của quản lý (và cuộc sống) sau khi quan sát hàng trăm sự thay đổi lớn trở nên mờ nhạt sau sự khởi đầu đầy sinh lực và những cuộc họp báo công bố, khi những cam kết lớn phải lùi bước trước những thách thức khó khăn. Đó chính là mấu chốt của vấn đề khi đang ở giữa chừng một việc, khi những người thực sự có niềm tin cũng trở nên nghi ngờ. Và điều đó luôn xảy ra mà không cần đến một cuộc khủng hoảng kinh tế quy mô toàn cầu.



Ảnh: Corbis
Tất cả những ý tưởng đề xuất mới - hướng đi mới của chính phủ, sự thay đổi trong kinh doanh, những doanh nghiệp mới thành lập, sản phẩm mới hoặc sự thay đổi trong nội bộ - có thể vướng phải khó khăn trước khi thành công. Các rắc rối gia tăng cùng với những phương thức đổi mới khác biệt với các phương pháp hiện thời. Càng nhiều đề xuất được khởi xướng, càng nhiều khó khăn nảy sinh.
Những rắc rối khiến cho con người muốn từ bỏ, quên đi và theo đuổi những điều mới mẻ hấp dẫn hơn. Nhưng ngừng nỗ lực quá sớm chính là thất bại. Hãy kiên trì bám đuổi nó bất chấp mọi khó khăn, đưa ra những điều chỉnh phù hợp và bạn có thể đang trên đường đi tới thành công. Mặc dù một số ý tưởng có vẻ bế tắc, thì rất nhiều ý tưởng chỉ đơn giản cần đến sự thay đổi giữa chừng.

Ở giữa chừng sự thay đổi là khó khăn với nhiều lý do có thể dự đoán được. Dự đoán trước thường thiếu cơ sở, đặc biệt là nếu tình huống mang tính kịch tính và khó mà biết chính xác mọi việc sẽ diễn ra như thế nào. Những nhà hoạch định đang có khó khăn về các nguồn lực khiến cho ngân sách trở nên cạn kiệt trước khi giành được thắng lợi là điều khó tránh khỏi.

Một nhà quản lý thương hiệu thành công cho một công ty chuyên về sản phẩm tiêu dùng đã có một tấm áp phích quảng cáo trên tường tuyên bố rằng "Những sản phẩm mới luôn tốn nhiều thời gian và tiền bạc hơn". Luôn có những trở ngại ngoài mong đợi và sự trì hoãn công việc. Người lãnh đạo phải luôn sẵn sàng để đảm bảo có thêm các nguồn lực dự phòng, tăng thêm thời gian dự trù hoặc vạch ra những phương thức sáng tạo để bù đắp cho việc khan hiếm các nguồn lực.

Nhưng kế hoạch làm việc thay đổi sẽ không là sai lầm lớn nếu không có một vấn đề nảy sinh giữa chừng: đó là việc gia tăng sự tiêu cực và giảm động lực. Sự thật phũ phàng là: Điều này khó làm hơn mọi người vẫn nghĩ. Những mâu thuẫn nảy sinh. Các nhà đầu tư và kể cả những người bạn cũng hỏi tại sao mọi việc lại không tiến triển nhanh. Các nhà phê bình chỉ trích. Những người ủng hộ thì tranh cãi lẫn nhau khiến cho việc tìm ra giải pháp trở nên khó khăn hơn.

Hãy sử dụng danh sách sau để quyết định khi nào nên tiếp tục những nỗ lực thay đổi và khi nào nên từ bỏ:

- Hài hòa với môi trường. Những gì đã thay đổi kể từ khi bạn bắt đầu đề xuất đổi mới? Liệu những giả định ban đầu còn đúng không? Liệu nhu cầu vẫn còn đó không?

- Kiểm tra tầm nhìn. Liệu ý tưởng vẫn còn mang lại hứng khởi hay không? Liệu điều đó có đủ quan trọng để nỗ lực thêm không?

- Kiểm tra sự hỗ trợ. Liệu những người ủng hộ còn nhiệt tình với ý tưởng không? Liệu những người mới có tham gia vào khởi xướng mới này không?

- Kiểm tra quá trình. Liệu những cam kết có được duy trì không và những mốc quan trọng đã được vượt qua chưa? Liệu có những chỉ số ban đầu, những sự minh chứng hữu hình cho thấy điều này có thể thành công không? Liệu kết quả có duy trì được sự ủng hộ và làm yên những chỉ trích không?

- Tìm kiếm sự hỗ trợ. Liệu các dự án có phù hợp với các hoạt động khác không? Liệu nó có thể được thúc đẩy bởi liên minh?

Quá nhiều câu trả lời "không" và có thể đó là lúc để giảm bớt thua lỗ và tiếp tục phát triển. Nhưng nếu hầu hết câu trả lời là có, thì mọi việc vẫn chưa kết thúc. Bạn vẫn đang ở giữa chừng sự thay đổi và vẫn đang trong cuộc chơi. Hãy làm mới lại ước mơ, tập hợp nhau lại để loại bỏ những vật cản, hãy để quanh bạn là những người ủng hộ luôn cổ vũ bạn và gắn chặt với ý tưởng. Nhận thức được những khó khăn khi thay đổi, hãy cho thêm thời gian và một kết thúc thành công là điều có thể.

Những người làm chủ được thay đổi luôn là những người kiên trì và bền chí. Họ bền bỉ, linh hoạt, lường trước được những trở ngại trên đường đến thành công và vui mừng khi vượt qua mỗi điểm mốc. Họ luôn tranh luận về những vấn đề quan trọng. Và ai biết được điều gì có thể xảy ra? Sự kiên trì có thể giúp ý tưởng đổi mới tồn tại, giúp các công ty tránh khỏi những sự cắt giảm hà khắc và tạo ảnh hưởng đến người quản lý để họ xem xét lại mọi việc.

- Bài viết của Rosabeth Moss Kanter trên Harvard Business Publishing -

Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2009

Giải toả không khí căng thẳng

TuanVietNam) - Khi nền kinh tế đang ở trong trạng thái hôn mê sâu, bầu không khí u ám bao trùm doanh nghiệp, các nhà quản lý thì lo lắng tột độ về tình hình công ty còn nhân viên nơm nớp sợ mất việc. Là lãnh đạo, bạn phải làm gì trong tình huống này?

Trong bối cảnh đó, chẳng có lý do gì gây thêm căng thẳng bằng việc liên tục thúc ép nhân viên mà một nhà lãnh đạo thực thụ cần nhảy vào cuộc để khơi gợi trong họ niềm tin và hy vọng.


Đừng để nơi làm việc trở thành ổ chứa căng thẳng. Ảnh: squidoo.com


Dưới đây, là một vài chỉ gợi ý nho nhỏ giúp bạn trong quá trình thực hiện:

Thư giãn. Một nhà quản lý chẳng thể làm gì để xoay chuyển cục diện của toàn bộ nền kinh tế bi đát, nhưng anh ta có thể thay đổi cách đón nhận nó. Những lời nói cáu kỉnh gắt gỏng không thể khiến người khác làm việc siêng năng hơn. Hãy thử mỉm cười và dành cho họ những cái gật đầu đầy thân thiện, bạn sẽ làm họ thấy công việc của mình bớt nặng nề đi rất nhiều.

Tạo tiếng cười. Trong Thế Chiến thứ I, khi phải sống nhiều ngày trong các hầm quân sự, lính Anh đã tự tạo niềm vui cho cuộc sống của mình bằng cách tạo ra các tác phẩm sân khấu tự biên tự diễn. Điều này giúp nhắc họ nhớ về quê hương và để họ luôn biết rằng dù điều gì có xảy ra thì họ vẫn là con người: được quyền hưởng trọn vẹn những thú vui bình dị nhất.

Vì thế chẳng có lý do gì để bạn không thử mọi cách để giúp mọi người giải toả tâm lý. Ra ngoài ăn trưa, gọi một chiếc bánh về văn phòng trong giờ giải lao, phát các vé xem phim thuê đĩa DVD miễn phí hay chiếu phim hoạt hình trên các màn hình quảng cáo. Cuộc sống thật vô nghĩa biết bao khi bạn chỉ biết lao đầu vào công việc mà không có thời gian nghỉ ngơi thư giãn.

Luôn mở rộng cánh cửa. Hãy cho người khác thấy rằng bạn luôn sẵn sàng trò chuyện cùng họ. Hầu hết mọi người đều muốn gặp bạn để trao đổi công việc nhưng đôi lúc họ cũng muốn tán gẫu đôi điều về cuộc sống. Thời gian dành cho những cuộc trò chuyện ngoài lề như vậy không hề lãng phí, nó là những khoảnh khắc hết sức đời thường.

Hãy luôn mở lòng tâm sự với nhân viên của bạn về mọi điều trong cuộc sống thậm chí là về số phận của công ty này. Hãy thật trung thực và cởi mở. Dẫu bạn không thể đảm bảo cho họ công việc ổn định đến tận cuối đời nhưng một cuộc trò chuyện thật thẳng thắn là thứ bạn có thể đem đến cho họ bất kỳ lúc nào.

Nếu bạn cần dẫn chứng thành công trước khi bắt tay làm bất kỳ điều gì thì thực tế không thiếu những dẫn chứng điển hình cho bạn. Trước kia, Abraham Lincoln luôn biết cách tạo bầu không khí làm việc thật thoải mái cho nội các và các tướng lĩnh của mình qua các mẫu chuyện vui nhưng đầy ý nghĩa.

Cũng vậy, Franklin Roosevelt đã trải qua những ngày tháng hết sức thư thái tại Nhà Trắng ngay cả trong những ngày tháng đen tối nhất của cuộc Đại Khủng hoảng và Thế chiến thứ II bởi ông đã biết cách khích lệ và chia sẻ tiếng cười với những người dưới quyền.

Không ai quy kết Lincoln hay Roosevelt là những người xa rời thực tế; Cả hai đều biêt cách tìm ra những khoảnh khắc thích hợp để tránh xa thực tại quá đỗi đen tối để làm mới bản thân và cộng sự của mình.

Làm nhà quản lý, bạn phải biết hướng nhân viên của mình đến những ưu tiên cấp bách của thời điểm hiện tại nhưng bạn chỉ làm được điều này khi vừa duy trì được tác phong chuyên nghiệp trong công việc vừa phải biết cách thư giãn cho nhân viên và cho cả chính mình.

- Bài viết của John Baldoni trên Harvard Business Publishing

Bốn nguyên tắc thương lượng hiệu quả

Tôi đã tham gia vào nhiều cuộc thương lượng. Tất cả đều giống và khác nhau ở một vài điểm. Nhưng thông qua những cuộc thương lượng này, tôi rút ra được 4 “nguyên tắc vàng” hữu ích nhất để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Các nguyên tắc này song song với những giai đoạn khác nhau của một cuộc thương lượng:

1. Công việc chuẩn bị cơ bản: Trước khi bắt đầu một cuộc thương lượng, phải tìm hiểu rõ lợi ích và vị thế của các bên với lợi ích và vị thế của mình. Hãy viết những điều đó ra và nghiên cứu trước mọi thứ từ theo góc nhìn của các bên.

2. Trong suốt quá trình: Đừng làm gì bất lợi cho bản thân: Điều này đặc biệt đúng nếu bạn chưa thực sự hiểu được vị thế của bên kia. Trong quá trình thương lượng, sẽ dần dần nắm bắt được những gì đối phương thực sự muốn. Hãy kiên định với những vị thế ban đầu của bạn và giải thích một cách hợp lý nhưng cũng đừng nhượng bộ quá sớm đối với một vấn đề thương lượng nào đó. Kiên nhẫn để có được sự hiểu biết tốt hơn về những luận điểm quan trọng hơn đối với bên kia.


Ảnh: dynamicinterchangeindia.in

3. Bế tắc: Sẽ có lúc tưởng như cả hai bên lâm vào cảnh bế tắc không thể lay chuyển được trong cuộc thương lượng. Hai bên cứ bám chặt vào những lập luận của mình và có thể quên mất mục tiêu chung của cuộc thương lượng. Khi đó cảm xúc lấn át lý trí. Nếu bạn nhận thấy bạn đã ở vào tình trạng đó, hãy xem liệu bạn có thể nhượng bộ bên kia trong luận điểm đó để đổi lấy ưu thế trong một luận điểm khác không liên quan nhưng quan trọng hơn đối với bạn.

Ví dụ này có thể làm rõ hơn luận điểm trên: khi một người bạn của tôi mua xe, anh ấy đã thương lượng giá ở mức người bán không thể chấp nhận được nữa. Bạn tôi chuyển bị dời đi khi anh hỏi rằng liệu anh có thể chấp nhận mức giá mà người bán hàng đưa ra nhưng với điều kiện người bán hàng phải chấp nhận một khoản chiết khẩu nhất định khi thay phanh cho chiếc xe thứ hai của anh. Người bán hàng chấp nhận đã chấp nhận điều đó- rất có thể là do khoản chiết khẩu khi thay phanh cho xe thì dễ dàng để nhượng bộ hơn (ít lợi nhuận hơn từ một việc nhưng việc này họ lúc nào cũng có thể làm được.)

Tuy nhiên vẫn việc đó lại có giá trị tương đối cao hơn với bạn tôi vì anh ấy sẽ có thể phải trả phí cao hơn cho việc thay phanh xe ở bất cứ nơi nào khác. Khi bế tắc- thường có “một đồng tiền thương lượng” để đi đến đích bạn đang tập trung thương lượng. Sử dụng “đồng tiền khác khác” và bạn có thể có được kết quả thương lượng như ý muốn.

4. Kết thúc hay không: Đối tác của tôi John Hamel luôn nhắc tôi rằng quy tắc vàng nhất định của một cuộc thương lượng là luôn để người khác rời đi. Nếu bạn đã thương lượng rất rắn, không thể đạt được đồng thuận trong một vấn đề quan trọng hoặc cảm thấy vụ thương lượng này quá “đắt” so với bạn, hãy đưa ra lời đề nghị bạn muốn và để bên kia đi nếu họ không chấp nhận lời đề nghị đó. Điều này không có nghĩa là quá bảo thủ, kiên cưỡng bám chặt vào điều mình muốn mà đó là sự trung thực, thẳng thắn với những gì bạn có thể sẵn sàng làm và giải thích rằng bạn hiểu nếu họ không chấp nhận được thì đó cũng là điều tốt nhất bạn có thể làm cho họ.

Một ví dụ điển hình cho việc kết thúc cuộc thương lượng là việc gần đây Hamel đã mua nhà mới như thế nào. Anh tìm thấy một căn trong khu nhà liên hợp mà anh thích và sẵn sằng kết thúc việc thương lượng ở một mức giá x/m2. Nghĩa là anh nghĩ anh có thể chấp nhận cân nhắc giá với một căn nhà lớn hơn và mới được tu sửa gần đây bằng cách nói với người chủ ngôi nhà (mà anh biết rõ là rất muốn bán) rằng anh sẽ chấp nhận mua một căn khác với mức giá đó trong vòng 24h nhưng sẽ mua căn nhà của họ với mức giá thậm chí đắt hơn nếu họ bán ngay. Điều lưu ý là, anh đã kết thúc cuộc thương lượng với mức giá lớn hơn và mức giá đó là một trong những giá tốt nhất đối với căn nhà trong khu phức hợp đó.

- Bài viết của Anthony K. Tjan trên Harvard Business Publishing

Bạn có đang tự quản lý vi mô?

Thuật ngữ "nhà quản lý vi mô" giờ đây phổ biến đến nỗi người ta có thể đề cập tới nó thậm chí ngay trong các cuộc đàm thoại thông thường nơi công sở.

Sự phổ biến này không có gì đáng ngạc nhiên, đôi khi nó là từ cụm từ được sử dụng để khiển trách người khác: “Anh ta chỉ là một gã quản lý vi mô”, như lời thêu dệt cho những "bà Tám" trong giờ nghỉ.

Ai đó có thể vô tình trở thành nạn nhân của quản lý vi mô. Trên thực tế, không dễ để nhận ra rằng bản thân mình đang trong tình trạng tự quản lý vi mô. Bạn cũng không được khích lệ để nhận ra tình trạng này, bởi vì tóm lại bạn đang định phàn nàn với ai? Đồng thời, nó cản trở khả năng làm việc của bạn, cho dù bạn làm việc độc lập hay theo nhóm.

Vậy làm sao để nhận ra và thoát khỏi tình trạng quản lý vi mô?

1. Đừng đánh mất tầm nhìn của bức tranh lớn, thậm chí là khi đang phải làm công việc nhàm chán hàng ngày. Nhà quản lý vi mô cổ điển có xu hướng nhắm vào chi tiết ngay lập tức vì thế thậm chí những gợi ý tốt nhất cũng dường như trở thành sự soi mói. Nếu bạn làm như vậy với công việc của mình, bạn sẽ có cảm giác thất vọng sụp đổ chung chung, không rõ ràng rằng bạn thất vọng vì cái gì, công việc của bạn dần trở thành một công việc cực nhọc và buồn tẻ.

Cho dù công việc bạn đang làm nhỏ bé như thế nào, thì cũng đừng bao giờ đánh mất tầm nhìn cho những mục đích lớn hơn. Điều này không chỉ giúp bạn thoát khỏi tình trạng thất vọng mệt mỏi mà còn giúp bạn hoàn tất công việc nhanh hơn.


Ảnh: corrections.com


2. Tránh tự sửa đổi giữa dòng, đặc biệt là trong quá trình thực thi nhiệm vụ được giao đầu tiên. Giai đoạn đầu tiên trong một dự án nên là giai đoạn dài nhất. Trong giai đoạn đó, cần tạo cơ hội để bản thân được trải nghiệm toàn bộ đường cung của sự cố gắng. Đừng bắt đầu với việc sắp xếp một góc nhỏ trước khi bạn xây dựng được cấu trúc căn bản.

Như thể nó có tác dụng ngược lại chẳng khác nào một nhà quản lý thiếu kiên nhấn vội vã giật công việc từ một nhân viên để thu gom từng chi tiết, nếu bạn nhận thấy bản thân mình như một con diều hâu, đột kích để tóm lấy các chi tiết vụn vắt trước khi bạn hoàn tất với những nền tảng căn bản thì điều đó có nghĩa là bạn đang tự cắt xén, thu gọn công việc của mình.

3. Khi bạn không thể ủy thác toàn bộ nhiệm vụ, hãy ủy quyền những quyết định vi mô. Mọi người đều biết rằng nhà quản lý vi mô luôn gặp vấn đề với ủy thác công việc. Tất nhiên, những nhiệm vụ đơn giản cần phải được tự hoàn thành, đặc biệt nếu bạn làm việc cho chính mình. Nhưng có những lúc một lời hỏi tư vấn nhanh với một đồng nghiệp đáng tin cậy, thậm chí qua email, có thể giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn mà nếu phải suy nghĩ một mình có thể bạn sẽ bị sa lầy.

Đôi khi bạn bị sa lầy ở một điểm mà đối với một ai đó có chuyên môn hơn, họ có thể vượt qua trong nháy mắt. Ủy quyền các quyết định vi mô có thể giúp bạn thoát khỏi tình trạng tự quản lý vi mô.

4. Nhận ra rằng công việc vi mô có chỗ riêng của nó. Chất lượng của một dự án thực sự phụ thuộc một phần vào việc thu thập các chi tiết nhỏ một cách đúng đắn để chúng không thể trở thành các rào cản. Nếu công việc của bạn đầy rẫy những việc cỏn con dang dở, chúng sẽ là rào cản làm lu mờ khả năng nhìn rõ các vấn đề.

Mặc dù bạn không bao giờ được phép đánh mất tầm nhìn cho bức tranh lớn hơn ở bất kỳ giai đoạn nào, bạn phải luôn khắt khe với từng chi tiết một cách hợp lý. Kiểu quản lý vi mô tồi thường là kết quả của sự thiếu kiên nhẫn, còn kiểu quản lý vi mô tốt đòi hỏi sự kiên nhẫn.

- Bài viết của Steven DeMaio trên Harvard Business Publishing

Tạo dựng giá trị doanh nghiệp bằng sự hài lòng của khách hàng

Rất nhiều công ty, từ American Express đến Zappos đã tìm thấy giá trị doanh nghiệp trong việc tạo ra kinh nghiệm dịch vụ làm vừa lòng khách khàng trong toàn hệ thống.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá, một số công ty tìm thấy giá trị trong việc làm cho kinh nghiệm khách hàng mang tính đa ngôn ngữ và đa văn hóa: được truyền tải trong bối cảnh pháp lý và kinh doanh của thị trường địa phương và gắn chặt với ngôn ngữ và văn hoá của khách hàng.

Kinh nghiệm khách hàng đa văn hóa và đa ngôn ngữ (Multilingual, Multicultural Customer Experiences - MMCE) tương đối phổ biến ở dạng dịch vụ khách hàng trực tiếp, tuy nhiên những dịch vụ này thường bị bỏ qua tại trung tâm liên lạc dịch vụ khách hàng. Dưới đây là một biện pháp từng bước cho những doanh nghiệp khẳng định nhu cầu đối với MMCE và một số lời khuyên cho việc áp dụng MMCE tại trung tâm liên lạc dịch vụ khách hàng.

1. Đánh giá tầm quan trọng của dịch vụ khách hàng

Trước khi bắt đầu, hãy tự hỏi dịch vụ khách hàng quan trọng như thế nào đối với chiến lược kinh doanh của công ty. Ví dụ, nếu thế mạnh của sự khác biệt cũng như thương hiệu của doanh nghiệp bạn là giá thấp, sản phẩm chất lượng tốt hoặc hiệu quả hoạt động thì việc tập trung vào MMCE có thể không có ý nghĩa gì.


Ảnh: wikimedia.org
2. Đánh giá thị trường mục tiêu
Tiếp theo bạn cần phải hiểu rõ phân đoạn khách hàng và đất nước nào cấu thành thị trường mục tiêu của bạn. Điều này giúp cho việc đánh giá nhu cầu đối với MMCE, và chỉ ra ngôn ngữ nào hỗ trợ cho chiến lược MMCE của bạn.

Trong nhiều trường hợp, điều này rất rõ rang - tiếng Anh với Mỹ hoặc Anh và tiếng Pháp với nước Pháp. Trong những trường hợp khác bạn có thể cần đến những thông tin về nhân khẩu học từ các số liệu thống kê về các ngôn ngữ chính được nói tại thị trường mục tiêu của bạn.

Bạn cũng có thể tìm thấy các thông tin liên quan về ngôn ngữ thông qua nghiên cứu khách hàng chủ yếu và thực tế, bạn có thể nhận thấy khách hàng cũng có thể có những ưa thích khác nhau đối với ngôn ngữ với những kênh phân phối, giao tiếp khác nhau. Ví dụ, nhiều nước sử dụng tiếng Anh trong thư điện tử và chat nhưng với điện thoại thì không.

3. Đánh giá quy mô thắc mắc của khách hàng

Những thắc mắc của khách hàng thường rơi vào các loại chính phức tạp và có tính tương tác sau: thông tin - informational (tài khoản cân bằng là gì?), giải quyết - transactional (bạn có thể giúp tôi điền vào đơn trực tuyến không?), tìm kiếm tư vấn - advice-seeking (loại máy điện thoại nào phù hợp với phong cách của tôi?) và chuẩn đoán - diagnostic (máy in của tôi không làm việc?) như được minh hoạ dưới đây:


Các thắc mắc càng phức tạp, thì nhu cầu đối với MMCE càng cao. Nhìn chung, các thắc mắc thuộc loại giải quyết, chuẩn đoán và tìm kiếm tư vấn mang lại nhiều cơ hội đa dạng dịch vụ thông qua MMCE hơn loại hình thông tin.
4. Đào tạo đại lý

Mặc dù việc sử dụng dịch vụ tự phục vụ ngày càng tăng thì dịch vụ hỗ trợ khách hàng vẫn được ưa chuộng. Do sự toàn cầu hóa, giao tiếp liên lạc xuyên văn hóa đã trở thành một phần quan trọng tất yếu trong việc đào tạo mỗi đại lý hơn bao giờ hết. Hãy chắc rằng dịch vụ của bạn có thể bao gồm được những vấn đề như từ vựng, ngữ điệu và phong tục văn hóa.

Rõ ràng là điều này quan trọng trong tương tác qua điện thoại hơn qua các kênh giao tiếp khác như thư điện tử vì bản chất nhạy cảm và trực tiếp của nó. Điều này nên được bổ sung với sự điều chỉnh giọng nói, ngữ điệu trung tính với các trung tâm dịch vụ điện thoại từ xa.

5. Thích ứng với các hoạt động và chính sách mang sắc thái văn hoá

Các hoạt động và chính sách dịch vụ khách hàng thường được tiến hành với ít hoặc không có sự cân nhắc đến khía cạnh văn hóa. Ví dụ, nghĩ kỹ trước khi tiến hành áp dụng việc bán hàng chéo hoặc tăng giá bán. Ở một số nước, bán hàng chéo có thể không lịch sự, thậm chí có thể làm kết thúc một sự tương tác dịch vụ khách hàng thành công.

Cũng tương tự như vậy, trả lời một yêu cầu qua thư điện tử trong vòng 48 giờ là có thể chấp nhận được với một số nền văn hóa nhưng lại có nghĩa là không quan tâm đến khách hàng ở một số nền văn hóa khác.

Một ví dụ khác là việc sử dụng câu chào không trang trọng (chào bằng tên chính) và ngữ điệu giao tiếp tại Mỹ ngược với câu chào và ngữ điệu trang trọng có thể phù hợp hơn với một số nước nói tiếng Anh khác.

- Bài viết của Anand Subramaniam trên Harvard Business Publishing. Tác giả là phó chủ tịch của Worldwide Marketing tại tổng công ty eGain Communications Corporation.

Không dễ trở thành nhà quản lý tài ba

Thấu hiểu những gì khách hàng của mình đang phải đối mặt, tôi đã tư vấn cho họ một bản kế hoạch phát triển kỹ năng quản lý vô cùng đơn giản. Sau khi họ đã thuần thục những kỹ năng căn bản này rồi, tôi tiếp tục đưa ra cho họ một loạt các kỹ năng ở cấp độ cao hơn để giúp họ không còn bỡ ngỡ khi đứng ra đảm nhận vị trí lãnh đạo.
Dưới đây là ba nguyên tắc và năm nhiệm vụ phát triển mà các nhà quản lý cần nắm vững:

Ba nguyên tắc:

1. Cam kết theo đuổi kế hoạch này trong vòng sáu tháng. Khi phát hiện ra bất kỳ thay đổi nào, gần như ngay lập tức, hãy cùng quản lý của bạn kiểm tra lại những biến đổi đó và xin họ lời khuyên để điều chỉnh kế hoạch của bạn sao cho phù hợp với hoàn cảnh mới

2. Tin tưởng nhờ kế hoạch này, về lâu dài, mọi việc sẽ đơn giản với bạn hơn rất nhiều.

3. Cởi mở để trải nghiệm, không ngần ngại khám phá bản thân và tìm hiểu về người khác.

Năm nhiệm vụ phát triển:

1. Phân quyền

Là nhà lãnh đạo: bạn cần phân quyền đến nhân viên ở mức nhiều nhất có thể. Hãy luôn ghi nhớ: nhiệm vụ xuyên suốt của bạn là phải phân quyền cho nhân viên về mọi việc, tìm ra một người có thể thay mình đảm đương nhiệm vụ để bạn có thời gian và không gian hướng đến những nhiệm vụ to lớn hơn.

Nếu bạn không thấy yên tâm khi giao phó toàn bộ công việc cho người khác thì hãy nhớ lại những gì bạn đã trải qua khi được cấp trên giao cho nhiệm vụ quan trọng đầu tiên trong sự nghiệp của mình. Bạn đã háo hức ra sao khi được giao một trọng trách như thế? Bạn đã làm gì để đương đầu với thách thức? Và rồi bạn đã thành công phải không nào? Từ nhiệm vụ khó khăn ban đầu đó, bạn đã học được điểu gì về công việc và chính bản thân mình? Thành công từ lần đầu tiên đó đã giúp bạn thúc đẩy sự nghiệp sau này của mình như thế nào?

Hãy nhớ rằng dù cho bạn có tài năng đến đâu thì sự nghiệp của bạn cũng khó lòng phát triển nếu người quản lý không tin tưởng giao phó công việc cho bạn. Quản lý của bạn trước kia đã chấp nhận rủi ro khi phân quyền cho nhân viên của anh ta và bây giờ là lúc bạn phải làm được như vậy. Không bàn cãi thêm nữa mà hãy tuân theo nguyên tắc đã nêu.

2. Duy trì khoảng cách cần thiết

Một trong những sai lầm lớn nhất của mọi nhà quản lý là hoặc dành quá nhiều thời gian cho nhóm của mình hoặc không hề ngó ngàng gì đến nhân viên. Cả hai thiên hướng này đều không tốt. Nếu luôn kè kè ở bên nhóm của mình, bạn có nguy cơ trở thành một nhà quản lý có tầm nhìn hẹp, bạn không có điều kiện tiếp cận thế giới bên ngoài để có cái nhìn bao quát về môi trường kinh doanh, sự thân thiện quá đỗi cũng đồng nghĩa bạn mất đi cái uy trước nhân viên và cuối cùng, nhân viên sẽ chỉ biết ỷ lại vào bạn.

Ở một thái cực khác, nếu không sâu sát với hoạt động của nhóm, nhóm của bạn sẽ tự hoạt động mà không có định hướng, thiếu sự kiểm soát và nhân viên có xu hướng nhìn nhận quản lý của họ là người quá xa cách hoặc quá quân phiệt. Như vậy, việc duy trì một khoảng cách hợp lý với nhân viên cũng là điều nhà quản lý không thể bỏ qua.

3. Sự hiện diện

Công bằng mà nói, hình ảnh và uy tín bản thân của bạn có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của bạn cũng như nhân viên của bạn. Vì thế, hãy đảm bảo rằng bạn sẽ hiện diện và được biết đến ở đúng nơi đúng chỗ. Nếu bạn không thể kiểm soát được người khác biết gì và nghe gì về bạn thì những người khác sẽ làm điểu đó thay bạn chỉ có điều thông tin chưa chắc được hướng theo cách bạn mong muốn.

Chính vì vậy, hãy dành thời gian để kết giao và chia sẻ về thành công của bản thân. Bất kỳ khi nào có thể hãy nắm lấy cơ hội để góp tiếng nói tại các hội đồng thẩm định hoặc đóng góp sáng kiến đa lĩnh vực - đó chính là cơ hội giúp những thành tựu của nhóm dưới sự dẫn dắt của bạn toả sáng.

4. Cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi

Bạn có thể ngạc nhiên khi đây cũng trở thành một trong những mục bạn cần củng cố. Hãy ghi nhớ điều này: bạn là con người chứ không phải một cái máy. Nếu đã từng vỗ ngực tự hào trước thiên hạ về khả năng làm việc trong nhiều giờ liền, không bao giờ đòi hỏi ngày nghỉ và luôn đặt công việc lên trên sức khoẻ và cuộc sống riêng tư của bạn và gia đình thì đây là lúc bạn nên nghĩ lại bởi bạn không thể duy trì tình trạng này trong thời gian dài.

Sớm muộn gì bạn sẽ gục ngã và khi đó mọi thứ đều tuột khỏi tầm kiểm soát và ý muốn của bạn. Nếu là người khôn ngoan bạn hãy biết chăm chút bản thân ngay từ bây giờ. Làm việc có chừng mực, biết nghỉ ngơi thư giãn, đi nghỉ sớm ít nhất một ngày trong tuần và lập kế hoạch rèn luyện sức khoẻ. Khi duy trì được nhịp độ sống và làm việc điều độ, bạn sẽ đạt được hiệu quả trong công việc, có đủ sức lực và sự minh mẫn cần thiết để đối mặt với khó khăn và duy trì thành công trong công việc.

5. Liên tục học hỏi và thực hành

Trước mỗi biến chuyển của hoàn cảnh, bạn cần thực sự nhanh nhạy để thích nghi và lựa theo hoàn cảnh. Để trở thành một nhà lãnh đạo thực thụ, bạn cần liên tục thu nhận phản hồi từ xung quanh, xác định nhu cầu phát triển và kiểm soát tiền trình phát triển của bản thân.

Bởi việc thay đổi một hành vi, một thói quen là không dễ nên bạn cần dành thời gian, kiên nhẫn, sự công hiến và nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài. Chỉ một tiếng đồng hồ/ tuần dành thời gian và không gian để áp dụng các kỹ năng đã học hỏi vào cuộc sống, bạn đã tự tạo cơ hội cho chính mình.

- Bài viết của Gill Corkindale trên Harvard Business Publishing -

Bí kíp quản lý nhóm làm việc hiệu quả cao

Nhóm làm việc hiệu quả cao, đặc biệt những người đã có một thời gian dài cùng làm việc thường tôn trọng và trung thành với quy tắc của riêng họ. Mặt nào đó, điều này là bí quyết tạo ra hiệu quả, song mặt khác, một khi nhóm này phớt lờ mệnh lệnh trực tiếp từ người quản lý, điều đó có thể gây ra những rắc rối.

Người quản lý của những nhóm như vậy được ca ngợi với năng suất làm việc hiệu quả, nhưng cũng vất vả khi phải làm việc với thái độ làm những gì họ muốn khi họ muốn làm của nhóm. Điều này gây ra sự bất hoà ảnh hưởng xấu đến tính hiệu quả của tổ chức.

Thách thức với nhà quản lý là phải gắn chặt với những nguyên tắc cũng như tăng cường sự tôn trọng đối với năng lực và thành công của toàn nhóm. Dưới đây là một số gợi ý cho việc tận dụng sự hiệu quả của toàn nhóm nhưng vẫn duy trì được sự thống nhất của cơ cấu.

Ngợi khen. Công nhận những gì đội đã đạt được. Hãy làm cho mỗi cá nhân trong đội biết bạn tôn trọng họ và công việc của họ như thế nào. Hãy hết lòng để làm họ cảm thấy họ được chào đón. Hãy khen ngợi những thành công của họ ở mức cao. Tóm lại, hãy làm cả nhóm cảm thấy rằng họ đặc biệt. Phần thưởng chỉ phản ánh việc doanh nghiệp đánh giá cao đóng góp của đội như thế nào.



Ảnh: sonanhjsc.com
Truyền đạt giá trị. Điều quan trọng đối với thành công là sự liên kết trong nhóm, cùng nhau hướng tới cái tốt hơn. Nguyên tắc tương tự cũng áp dụng cho những nhóm làm việc trong tổ chức. Hãy nói rõ rằng không có nhóm nào được đặt lên trên toàn công ty. Nhưng cùng lúc đó cũng phải công nhận sự thật rằng những cá nhân sẽ trung thành, gắn kết với các thành viên trong nhóm hơn với thành viên của các nhóm khác. Một ông chủ thông minh sẽ tìm ra cách để thúc đẩy sự gắn kết của nhóm để đem lại lợi ích cho toàn doanh nghiệp bằng cách đặt nhóm làm việc vào vị trí mà thành công của nhóm sẽ được phản ánh tốt trên toàn doanh nghiệp.
Tôn trọng cách làm việc. Nhóm làm việc hiệu quả cao thích làm việc theo cách của riêng họ. Đây là nguyên nhân chính cho thành công của họ. Cho phép cả nhóm cũng như với mỗi cá nhân chỉ ra những điều cần thiết cho bản thân nhóm và tiến hành ý tưởng theo cách của riêng mình. Tuy nhiên, hãy nói rõ rằng cho dù nhóm làm gì đi nữa thì cũng phải hoàn thành công việc đúng hạn và trong phạm vi ngân sách. Ngoài ra, hãy yêu cầu cả nhóm minh bạch với những kết quả tốt cũng như xấu.

Cuối cùng, cố gắng đạt được sự cân bằng giữa sáng tạo và nguyên tắc. Bạn muốn thử thách toàn nhóm để họ suy nghĩ và hành động sáng tạo bởi vì nhóm có năng lực làm những việc theo một cách khác để tạo ra thành công. Cùng lúc đó, sự sáng tạo của nhóm phải phục vụ cho mục tiêu và chiến lược của tổ chức. Đó là, cả nhóm có thể "tự do" về mặt phương pháp nhưng phải giữ vững mục tiêu chung. Các dự án mà nhóm tiến hành phải bổ sung hoàn thiện nhiệm vụ của tổ chức.

Hãy đối mặt với sự thật. Khi hoàn cảnh thúc ép, một nhóm làm việc hiệu quả cao cần phải có được quyền hạn cần thiết để thành công. Hãy coi nhóm này là nhóm phù hợp nhất trong số các nhóm tương đương nhau. Tất cả các thành viên cần phải được đối xử công bằng nhưng những người có nhiều đóng góp hơn thì xứng đáng được đối xử đặc biệt hơn. Vì vậy thường thì thành công chung của nhóm làm việc hiệu quả giúp toàn tổ chức thành công.

Cuối cùng, một nhà quản lý thông minh sẽ tạo điều kiện cho một nhóm làm việc hiệu quả cao để họ thành công. Những người quản lý có kinh nghiệm biết giới hạn mà họ có thể giữ cho tất cả các nhóm, chứ không chỉ riêng gì một nhóm hiệu quả cao, vừa duy trì được niềm tự hào của riêng từng nhóm vừa mang lại lợi ích cho toàn tổ chức.

- Bài viết của John Baldoni trên Harvard Business Publishing -

Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2009

12 suy nghĩ bất lợi cho sự nghiệp

30/09/2009 08:44


(DNOL) - Bạn là người có năng lực và luôn đặt cho mình mục tiêu rõ ràng. Tuy nhiên trong quá trình làm việc đôi khi những điều đó lại chính là rào cản tiến gần đến thành công của bạn.



1. Luôn hoài nghi về hiệu quả làm việc của bản thân

Thông minh, có kinh nghiệm nhưng khi được đề bạt lại không tự tin, tự cảm thấy mình không đảm nhận được công việc. Không có tham vọng thăng tiến, tự hài lòng với vị trí hiện tại hoặc có khi thấp hơn một hai cấp sẽ thích hợp hơn.



Hành vi tự kìm chế và gây hại bản thân đôi lúc là vô ý thức. Nhưng nếu trong cương vị chủ quản cấp cao của công ty vô hình trung bạn đã gây tổn thất lớn cho công ty.



2. Nhìn mọi việc theo một mặt

Cho rằng mọi việc đều trắng đen rõ ràng, giống như đáp án chuẩn của đề thi, đánh giá một cách khách quan ưu nhược điểm. Tự thấy mình như đang bảo vệ niềm tin, kiên trì theo đuổi một cách nguyên tắc. Nhưng người khác lại không hoàn toàn cho là như vậy. Bạn làm việc cô độc và kết quả thường là thất bại.



3. Đòi hỏi quá cao

Cho mình là anh hùng và yêu cầu mọi người cần đạt được tiêu chuẩn như mình. Trong công việc yêu cầu bản thân và cấp dưới “càng nhiều, càng nhanh, càng tốt” khiến cấp dưới mệt mỏi, muốn thoát khỏi bạn. Kết quả liên tiếp những lá đơn xin nghỉ việc tạo gánh nặng cho công ty.



Bạn chỉ thích hợp làm những công việc độc lâp, nếu làm lãnh đạo nên chọn ra nhân viên chuyên nghiệp, khi có những yêu cầu quá cao, khắt khe nhắc nhở bản thân.



4. Tránh né xung đột

Bằng mọi cách né tránh xung đột. Thực tế ngược lại bất đồng ý kiến và xung đột kích thích tính năng động và khả năng sáng tạo. Một chủ quản đáng lẽ nên vì nhân viên của mình đấu tranh nhưng để tránh xung đột đã bỏ qua vụ việc từ đó bị đồng nghiệp coi thường. Để duy trì sự yên ổn, họ kìm nén tình cảm, kết quả gây ra thiếu khả năng đối mặt với thử thách. Cuối cùng, không có khă năng giải quyết xung đột làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa đồng nghiệp, gia đình và bạn bè.



5. Đàn áp đồng nghiệp

Hành động quả quyết, làm việc quá thẳng thắn, quá hiếu kỳ, không khéo léo khi xử lí công việc dễ ảnh hưởng đến sự nghiệp của bạn.



6. Thích gây chú ý

Không ngừng phấn đấu vì mục đích và lý tưởng của bản thân. Trong sự nghiệp và ngoài xã hội, nhanh chóng thể hiện lập trường, cảm thấy thỏa hiệp là một sự thất bại, nếu không có người chú ý đến,họ sẽ thay đổi bản thân đến khi được người khác để ý.



7. Quá tự tin và hiếu thắng

Hiếu thắng và luôn tự cao. Không quan tâm đến hoàn cảnh thực tại, chỉ tìm những công việc có vị trí cao hoặc tự lập công ty riêng. Khi làm việc trong công ty lớn, xung phong đảm nhận công việc vượt quá khả năng bản thân. Kết quả không hoàn thành được công việc lại không phát huy được thế mạnh, ngược lại càng hiếu thắng hơn.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do tâm lí không ổn định và không tự lượng sức mình. Luôn tự mình nhắc nhở “không làm được việc, không nên hành động”.


8. Không tự thoát khỏi rắc rối

Là đại diện điển hình của chủ nghĩa bi quan. Trước khi làm việc, luôn tưởng tượng ra kết quả, từ đó cảm thấy bất ổn. Loại người này nếu làm lãnh đạo thụ động và lề mề khi làm việc. Quá để ý đến thể diện, thậm chí lo lắng thiếu sót của nhân viên sẽ ảnh hưởng đến bản thân.



Loại người này cần tự mình khắc phục, khi làm bất cứ việc gì cần khống chế bản thân, tự tin khiến bạn có động lực để hoàn thành công việc, đây cũng biện pháp hiệu quả nhất giúp bạn thành công!



9. Suy nghĩ hời hợt

Không hiểu rõ cấp độ cảm xúc: lo lắng, yêu thương, tức giận, tham lam, cảm thông…Khi nghe điện thoại chào hỏi thông thường cũng bỏ qua trực tiếp vào chủ đề chính, không có nhẫn nại và luôn bỏ yếu tố tình cảm nằm ngoài kế hoạch.

Loại người này cần xem lại bản thân thông qua bạn bè và đồng nghiệp để biết được mình mẫn cảm với loại tình cảm nào, có xem nhẹ cảm giác của người khác hay không từ đó cải thiện mình.



10. Vờ hiểu biết

Khi làm việc loại người nhưng luôn tỏ ra hiểu biết, hay phàn nàn chê việc. Nhưng bản thân tự thấy không thể tự mình làm tốt việc. Mong thành công, nhưng không thích học hỏi hay giấu dốt. Hơn nữa, yêu cầu làm việc hoàn hảo nhưng lại kéo dài thời gian khiến tiến trình công việc ngừng trệ.



11. Không giữ mồm miệng

Nhiều người không biết rằng có những việc có thể nói và có những việc không nên nói. Thông thường họ là những người tốt tinh, không có ác ý, nhưng khi được coi trọng trong tổ chức công ty nếu không biết giữ mồm miệng sẽ rất dễ bị mất việc.



12. Không tự tin về lựa chọn của mình

Luôn thấy mình mất đi phương hướng nghề nghiệp. “Lựa chọn của mình rốt cuộc đúng hay sai?”. Họ luôn cho rằng chức vụ của mình không vững, không theo kịp người khác thiếu tự tin vào bản thân .

trich theo bao doanhnhan.asia

Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2009

Marketing từ A --> Z

** Marketing Là Gì?

Định nghĩa Marketing theo tổ chức Hiệp Hội Marketing Mỹ:

Định Nghĩa năm 2004
"Marketing is an organizational function and a set of processes for creating, communicating and delivering value to customers and for managing customer relationships in ways that benefit the organization and its stakeholders."

Định Nghĩa năm 2007:
“Marketing is the activity, conducted by organizations and individuals, that operates through a set of institutions and processes for creating, communicating, delivering, and exchanging market offerings that have value for customers, clients, marketers, and society at large.”


Tại sao marketing là thiết yếu đối với doanh nghiệp?
Marketing không chỉ là một chức năng trong hoạt động kinh doanh, nó là một triết lý dẫn dắt toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp trong việc phát hiện ra, đáp ứng và làm thoả mãn cho nhu cầu của khách hàng.

Doanh nghiệp cần phải biết làm thế nào để xác định và phân khúc thị trường, xây dựng giải pháp hấp dẫn để chào cho khách hàng, và xây dựng thương hiệu với định vị mạnh. Họ phải biết làm thế nào để làm giá cho giải pháp của mình một cách hấp dẫn và hợp lý, và làm thế nào để chọn và quản trị kênh phân phối để đưa sản phẩm của mình đến người tiêu dùng một cách có hiệu quả. Họ cần phải biết làm thế nào để quảng cáo và giới thiệu sản phẩm của mình, để khách hàng biết và mua. Không chỉ thế, họ cần phải biết áp dụng chiến lược thị trường và phương pháp quản trị phù hợp với thực tế thị trường đầy kỹ thuật mới trong xu hướng toàn cầu hoá.

Bộ phận chuyên trách marketing, có cần hay không?
Có người nói rằng không nhất thiết phải có một bộ phận chuyên trách marketing để làm công việc phân tích thị trường, lập kế hoạch và kiểm soát các khâu liên quan. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ, hoạt động không đa dạng nơi mà giám đốc đã có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết về nhu cầu khách hàng. Ngay cả đối với các công ty lớn, cũng không cần phải có một phòng marketing, bởi vì sản phẩm thì đã có các kỹ sư quản lý, giá cả thì phòng tài chính-kế toán quản, việc phân phối hàng đã có nhân viên chuyên trách lo, và việc bán hàng cũng như là quản cáo đã có giám đốc bán hàng lo.

Cách tiếp cận như vậy thật là nguy hiểm. Các nhà kỹ thuật thường chỉ chăm chút vào khía cạnh vật chất của sản phẩm, các cô kế toán thường quan tâm đến giá thành hơn là giá trị thị trường của sản phẩm, các nhân viên giao hàng thường đặt ưu tiên tối ưu hoá việc quản lý hàng hoá, trong khi lại không quan tâm lắm về dịch vụ khách hàng vốn quan trọng hơn, và việc bán hàng cũng như thúc đẩy bán hàng thường được thực hiện không phải theo cách tốt nhất nhằm đạt mục tiêu chung của doanh nghiệp.

Muốn hay không muốn, do số lượng sản phẩm và thị trường của doanh nghiệp ngày càng phát triển, và do áp lực cạnh tranh cũng như yếu tố bất ổn định của môi trường kinh doanh ngày càng tăng, doanh nghiệp cần phải tổ chức việc quản lý hoạt động marketing tập trung, nếu không sẽ đi đến chỗ nguy hiểm là doanh nghiệp sẽ sản xuất ra sản phẩm mà về góc độ kỹ thuật thì tuyệt vời, nhưng lại là một tai hoạ về góc độ thương mại.

Theo marketingchienluoc


***Nghiên cứu thị trường


Do trong marketing hiện đại, mọi quyết định đều bắt nguồn từ yêu cầu của thị trường, nên có thể nói nghiên cứu thị trường là động tác đầu tiên trong qui trình marketing.

Nghiên cứu thị trường là một nghiệp vụ vô cùng quan trọng, nếu công tác nghiên cứu thị trường được làm tốt, nó cung cấp đầy đủ thông tin chính xác để giúp người làm marketing đưa ra một chiến lược phù hợp và do đó mang lại hiệu quả cao. Ngược lại, nếu công tác nghiên cứu thị trường thu thập về những thông tin không chính xác, không phản ảnh đúng tình hình thực tế thị trường, và do không dựa trên cơ sở thông tin vững chắc nên quyết định được đưa ra sẽ không sát với thực tế, dẫn đến hoạt động marketing sẽ không hiệu quả, lãng phí nhân vật lực.

Đối với các doanh nghiệp nước ngoài, trước khi quyết định thâm nhập một thị trường, tung ra một sản phẩm mới, hoặc thực hiện một chiến dịch quảng bá truyền thông, hay quyết định điều chỉnh một trong các yếu tố chiêu thị như tăng giảm giá, thay đổi bao bì sản phẩm, tái định vị v.v. họ đều thực hiện nghiên cứu thị trường trước khi xây dựng kế hoạch chi tiết.

Nhiều doanh nghiệp VN, hoặc do đánh giá không đúng tầm mức quan trọng của nghiên cứu thị trường, hoặc cũng có thể có nhận thức nhưng do hạn chế về ngân sách, đã không chú tâm đúng mực đến công tác nghiên cứu thị trường trước khi tung một sản phẩm mới, kết quả là họ đã phải trả giá đắt khi vấp phải những trở ngại khó có thể vượt qua trong quá trình triển khai thâm nhập thị trường.

Tại sao cần nghiên cứu thị trường?
Điều cơ bản nhất quyết định sự thành công của một sản phẩm là sự chấp nhận của người mua sản phẩm hoặc sự hài lòng của người sử dụng dịch vụ. Làm thế nào biết được khách hàng có thích hay không thích, chấp nhận hay không chấp nhận? Chỉ có cách duy nhất, chính xác nhất và cũng là một kỹ thuật xưa như trái đất là hỏi chính khách hàng người được cho là sẽ mua sản phẩm, hoặc/và người dù không trực tiếp mua nhưng có ảnh hưởng tác động đến quyết định mua sản phẩm. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, kỹ thuật nghiên cứu thị trường ngày càng được phát triển tinh vi hơn, người ta tranh thủ mọi cơ hội để thu thập thông tin khách hàng, thị trường.

Tại sao thông tin thị trường lại quan trọng đến vậy? Bởi vì:
Thông tin là chìa khoá để am hiểu thị trường.
Bạn cần phải hiểu thị trường hơn đối thủ cạnh tranh
Bạn cần phải dự báo được những sự thay đổi của thị trường và nhu cầu của khách hàng.
Bạn cần phải biết làm thế nào để ứng phó với những sự thay đổi đó.
Bạn cần phải có phương pháp hệ thống hoá việc thu thập, phân tích và xử lý thông tin thị trường.

Nghiên cứu thị trường được chia ra làm hai dạng:
Nghiên cứu định tính

* Tìm hiểu động cơ, những yếu tố thúc đẩy
* Ai? Cái gì? Ở đâu? Khi nào? Bằng cách nào? Tại sao?
* Dựa trên số lượng nhỏ

Nghiên cứu định lượng

* Đo lường
* Phân khúc và so sánh
* Dựa trên số lượng lớn và nội dung phỏng vấn được sắp xếp có chủ ý

Theo marketingchienluoc


*** Ứng dụng nghiên cứu thị trường

Ngày nay, nghiên cứu thị trường trở thành một công cụ không thể thiếu trong việc nắm bắt thị trường, được sử dụng một cách rất phổ biến, phục vụ cho những mục đích rất đa dạng, dưới đây là những ứng dụng phổ biến nhất của nghiệp vụ nghiên cứu thị trường.

1. Thu thập thông tin thị trường.

Bạn có thể sử dụng công cụ nghiên cứu thị trường để:
- Thu thập thông tin về các sản phẩm mới được phát triển có thể dùng thay thế cho sản phẩm của bạn. Qua đó bạn có thể chủ động đề ra biện pháp để đối phó với những biến động bất ngờ trên thị trường.
- Thu thập thông tin về chính sách nhà nước như dự kiến phân bổ ngân sách nhà nước (nếu ngân sách nhà nước có ảnh hưởng đến thị trường của bạn), thuế xuất nhập khẩu, quota và các thoả thuận cấp nhà nước có liên quan đến thị trường, nguồn cung cấp nguyên liệu, vật tư cho sản phẩm của bạn... . Qua đó có thể dự đoán thị trường và xây dựng kế hoạch kinh doanh của mình.
- Thu thập thông tin về hoạt động của các đối tác, khách hàng tiềm năng. Qua đó giúp bạn đưa ra những quyết định đúng đắn, ngăn ngừa rủi ro ...

2. Nghiên cứu nhu cầu thị trường.

Thu thập thông tin về nhu cầu của khách hàng, xu hướng tiêu dùng để qua đó có thể tung sản phẩm mới hoặc cải tiến sản phẩm hiện hữu nhằm có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường, cũng cố vị trí của mình trên thị trường.

3. Nghiên cứu kênh phân phối.

Thu thập thông tin về thói quen và hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng để thiết lập kênh phân phối cho sản phẩm mới sắp được tung ra thị trường. Hoặc phát triển thêm kênh phân phối mới cho sản phẩm hiện hữu khi phát hiện sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của một bộ phận khách hàng.

4. Đánh giá mức độ nhận biết của một thương hiệu và hình ảnh của thương hiệu.

Thu thập thông tin bằng cách phỏng vấn khách hàng nhằm đánh giá mức độ nhận biết về thương hiệu trước và sau khi tung ra một chiến dịch quảng bá thương hiệu nhằm để đo lường hiệu quả của hoạt động truyền thông.

5. Thu thập thông tin đối thủ cạnh tranh.

Thu thập thông tin của đối thủ cạnh tranh nhằm phục vụ cho việc phân tích cạnh tranh. Thu thập thông tin về hoạt động của đối thủ cạnh tranh nhằm phán đoán chiến lược của họ như các kế hoạch đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, bổ sung nhân lực, xây dựng kho tàng, nhà máy, kênh phân phối. Thu thập thông tin về các hoạt động chuẩn bị của đối thủ cạnh tranh về các hoạt động truyền thông như chương trình khuyến mại, khuyến mãi. Qua đó bạn có thể đề ra chiến lược chận trước hoặc đáp trả trước khi quá muộn.

6. Nghiên cứu giá, định vị giá.

Thu thập thông tin về giá của đối thủ cạnh tranh, giá nguyên vật liệu đầu vào, thu thập thông tin về sự phân phối lợi nhuận trong các thành phần tham gia phân phối sản phẩm để kịp thời điều chỉnh nhằm tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, tăng lợi nhuận cho mình. Qua đó có thể định vị giá một cách hợp lý.

7. Đánh giá thái độ của khách hàng đối với một sản phẩm, thương hiệu.

Thu thập phản hồi từ phía khách hàng, người tiêu dùng để cải tiến dịch vụ khách hàng nâng cao tính cạnh tranh. Hoặc chấn chỉnh những nhận thức lệch lạc về thương hiệu, bất lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

8. Định vị thương hiệu.

Thu thập thông tin phản hồi từ khách hàng và thị trường về các sản phẩm trên thị trường để qua đó tìm ra một định vị thích hợp cho sản phẩm, thương hiệu của mình.


*** Sử dụng dịch vụ nghiên cứu thị trường

Trong trường hợp cần có cơ sở thị trường đáng tin cậy để đi đến một quyết định quan trọng, người ta thường thuê các công ty chuyên nghiệp nghiên cứu thị trường thực hiện việc nghiên cứu thị trường. Để có thể làm việc với các công ty nghiên cứu thị trường một cách có hiệu quả, bạn cần chuẩn bị các nội dụng sau:

Những điều cần lưu ý khi chọn lựa đối tác làm dịch vụ nghiên cứu thị trường

* Họ có hiểu biết, kinh nghiệm gì về nghành nghề mà bạn quan tâm không?
* Họ có đủ kỹ năng phương pháp cần thiết hay không?
* Họ có đủ nguồn nhân lực cần thiết?
* Bạn có thể làm việc được với những người được giao nhiệm vụ làm việc với bạn hay không?

Bảng tóm lượt nội dung công việc yêu cầu nghiên cứu thị trường

(gởi cho đối tác thực hiện dịch vụ nghiên cứu thị trường để họ biết bạn cần gì)

* Đưa ra mục đích yêu cầu của việc nghiên cứu thị trường cần phải thực hiện.
* Kể rõ diễn biến vấn đề đã xãy ra, tình thế dẫn đến cơ hội
* Trình bày kế hoạch hành động đang được xem xét và những yêu cầu về thông tin cần có để đi đến quyết định.
* Đặt ra yêu cầu về thời gian cần hoàn tất.
* Có thể đề nghị phương pháp và giới hạn chi phí.
* Đặt ra những yêu cầu khác (nếu cần) về trình độ của người làm nghiên cứu, kinh nghiệm và trình độ chuyên môn của họ

Sau khi đối tác đã thực hiện xong việc nghiên cứu thị trường và báo cáo cho bạn, ngoài bản báo cáo bạn còn có quyền yêu cầu:

* Biểu mẩu câu hỏi phỏng vấn
* Danh sách những người trả lời phỏng vấn
* Biểu mẩu câu hỏi đã được trả lời mẩu (để biết như thế nào là phỏng vấn đạt yêu cầu)
* Bảng phân tích thô kết quả thu được (có thể có nhiều ý kiến hay)
* Yêu cầu đối tác báo cáo miệng hoặc bằng e-mail hàng tuần về diễn biến (chấn chỉnh ngay nếu phát hiện lệch hướng).
* Yêu cầu danh sách những người tham gia việc phân tích kết quả (để đánh giá chất lượng phân tích và để liên lạc khi cần làm rõ thêm).


** Một số bước nghiên cứu và phân tích thị trường

Nắm bắt thị trường là một yêu cầu nghiệp vụ vô cùng quan trọng trong kinh doanh. Người Việt Nam có câu "sai một ly, đi một dăm". Nếu bạn dựa trên những cơ sở không đáng tin cậy mà đi đến một quyết định đầu tư quan trọng, tức là bạn đã sãn sàng chấp nhận một tỉ lệ rủi ro cao. Để hạn chế rủi ro, người ta cần có một cơ sở đáng tin cậy. Chính vì vậy, người ta đã tốn nhiều công sức để nghiên cứu làm thế nào để có thể thu được kết quả tương đối chính xác nhất, phản ánh đúng nhất tình hình thị trường, để dựa vào đó mà quyết định phương hướng kinh doanh của mình. Để thực hiện việc nghiên cứu thị trường phục vụ cho một mục đích kinh doanh cụ thể, người ta có thể phải đi qua một số bước cần thiết. Dưới đây là một số công đoạn được đúc kết và được cho là cần thiết trong việc nắm bắt thị trường.

* Xác định nguồn thông tin cần thiết.
* Nghiên cứu xu hướng thị trường thông qua phân tích 4 (hoăc 6) yếu tố thị trường (PEST) (hoặc PEST+LE).
* Nghiên cứu tình hình thị trường thông qua nghiên cứu 5 lực tác động.
* Nghiên cứu mức độ cạnh tranh (SWOT).
* Nghiên cứu sơ đồ thị trường.
* Nghiên cứu chu kỳ thị trường và dự báo thị trường.
* Nghiên cứu chuổi giá trị của thị trường
* Nghiên cứu khách hàng (khách hàng trực tiếp, các thành phần trong dây chuyền phân phối, người sử dụng sản phẩm, người tiêu dùng sau cùng, những thành phần có ảnh hưởng)



** Phân khúc thị trường

Doanh nghiệp ngày nay nhận ra rằng họ không thể thu hút toàn bộ người mua hàng trên thị trường, hoặc ít ra là họ không thể cùng một cách mà có thể thu hút được toàn bộ người mua hàng. Người mua hàng thì quá lớn về số lượng, quá dàn trải về mặt địa lý, nhu cầu và cách mua sản phẩm của họ cũng quá đa dạng. Về phía doanh nghiệp thì khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường của họ cũng rất khác nhau do họ khác nhau về năng lực, về chuyên môn.
Như vậy thay vì dàn trải năng lực để phục vụ cho toàn bộ nhu cầu trên thị trường, từng doanh nghiêp cần xác định cho mình một phần của thị trường mà họ có khả năng phục vụ tốt nhất, có lợi nhất. Hầu hết các doanh nghiệp ngày nay đã rời bỏ chiến lược thị trường chung, họ bắt đầu đi theo hướng thị trường tuyển chọn. Như thế, sẽ có thể có những phân khúc thị trường họ rút lui hoặc chỉ phục vụ cầm chừng, và có những phân khúc thị trường họ quyết tâm, dốc sức phục vụ.
Như vậy, có thể nói mục tiêu của phân khúc thị trường nhằm để xác định phân khúc thị trường nào doanh nghiệp sẽ cạnh tranh và phân khúc nào doanh nghiệp sẽ không cạnh tranh.

Tại sao cần phân khúc thị trường?

Doanh nghiệp cần thực hiện phân khúc thị trường vì công việc phân khúc thị trường đòi hỏi doanh nghiệp phải tìm hiểu thị trường của mình một cách kỹ càng hơn. Có như thế doanh nghiệp mới có thể chia khách hàng theo từng nhóm, những những nhóm khách hàng có cách ứng xử như nhau khi tiếp cận một giải pháp marketing.
Qui trình phân khúc thị trường còn đòi hỏi doanh nghiệp phải hiểu động cơ của sự chọn lựa và yếu tố ưa chuộng của khách hàng trên thị trường, thông qua đó phát hiện ra cơ sở của ưu thế cạnh tranh.
Phân khúc thị trường cò giúp cho doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội trên thị trường thông qua công việc phân tích nhu cầu của từng nhóm khách hàng. Từ đó có thể đưa ra những sản phẩm cùng loại nhưng có công dụng khác nhau, bao bì khác nhau, giá thành khác nhau v.v.. để phục vụ cho những nhu cầu khác nhau của những đối tượng khách hàng khác nhau.
Quan trọng hơn cả, phân khúc thị trường là cơ sở tiền đề để xây dựng chiến lược thị trường của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp làm tốt công việc phân khúc thị trường, qua đó xác định cho mình một phân khúc thị trường thích hợp, sẽ dễ dẫn đến thành công vì chiến lược thị trường của doanh nghiệp dựa trên cơ sở năng lực và lợi thế thực sự của doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu của thị trường. Ngược lại, nếu doanh nghiệp chọn sai thị trường, thì chiến lược trên lý thuyết có hay cở nào cũng khó mà có thể thực hiện thành công, bởi vì có thể doanh nghiệp đã chọn một thị trường quá lớn so với khả năng của mình, hoặc một thị trường mà yêu cầu bức xúc nhất, quyết định nhất của khách hàng thì doanh nghiệp lại không có khả năng đáp ứng tốt hơn so với các đối thủ khác.
Phân khúc thị trường còn là cơ sở để doanh nghiệp nhận định, đánh giá thị trường, nó giúp cho doanh nghiệp theo dõi diễn biến thị trường, phán đoán những thay đổi trên thị trường trong tương lai nhằm đón đầu nhu cầu thị trường.

Vậy cụ thể phân khúc thị trường là gi?

Phân khúc thị trường là:

* Xếp khách hàng thành nhóm dựa theo động cơ thúc đẩy họ (mua hàng, chọn nguồn cung cấp hàng hoá (sản phẩm, dịch vụ, ý tưởng ...)
* Xếp khách hàng thành nhóm dựa trên nhu cầu và hành vi của họ.
* Xếp khách hàng thành từng nhóm dựa theo những yếu tố quyết định mà họ đặt ra để (mua hàng hoá, chọn nguồn cung cấp sản phẩm, dịch vụ ...)



** Cơ sở phân khúc thị trường


Có thể chia phân khúc thị trường ra làm 3 lĩnh vực, phân khúc thị trường người tiêu dùng, phân khúc thị trường doanh nghiệp và phân khúc thị trường quốc tế.

A. Phân khúc thị trường người tiêu dùng
1. Phân khúc theo địa lý
Phân khúc thị trường theo địa lý là chia thị trường theo từng đơn vị địa lý chẳng hạn như theo vùng miền như miền Bắc, miền Trung và miền Nam, hoặc theo từng tỉnh hoặc quận huyện. Doanh nghiệp có thể xác định chỉ hoạt động trên một vùng giới hạn địa lý nào đó, hoặc có thể hoạt động trên toàn bộ lãnh thổ nhưng tập trung chú ý vào sự khác biệt về nhu cầu, ý muốn của khách hàng giữa vùng nầy với vùng khác

2. Phân khúc theo các chỉ số nhân chủng họcPhân khúc thị trường theo các chỉ số nhân chủng học chia thị trường dựa theo sự khác nhau về tuổi tác, giới tính, qui mô gia đình, thu nhập, nghề nghiệp, tôn giáo, chủng tộc, thế hệ và quốc tịch.

3. Phân khúc thị trường theo tâm lý.
Phân khúc thị trường theo tâm lý là chia thị trường thành từng nhóm dựa trên sự khác biệt về tầng lớp xã hội, lối sống, cá tính.

4. Phân khúc thị trường theo hành vi, thái độ.Phân khúc thị trường theo hành vi là chia thị trường thành từng nhóm dựa trên sự khác biệt về kiến thức, thái độ, các sử dụng hoặc là phản ứng đối với một sản phẩm.

B. Phân khúc thị trường doanh nghiệp.

Thị trường doanh nghiệp cũng có thể phân chia gần như theo cách phân chia thị trường người tiêu dùng. Thị trường doanh nghiệp có thể phân khúc dựa theo địa lý, nhân chủng học (qui mô công ty, nghành nghề kinh doanh), phân khúc dựa trên những lợi ích mà doanh nghiệp tìm kiếm, cách sử dụng sản phẩm, mức độ sử dụng sản phẩm và mức độ trung thành.

C. Phân khúc thị trường quốc tế.

Đối với những doanh nghiệp hoạt động trên qui mô quốc tế, có những quốc gia rất gần nhau nhưng lại rất khác nhau về mức độ phát triển kinh tế, về văn hoá và chính trị. Do vậy, các công ty hoạt động đa quốc gia cần phải phân khúc thị trường và chia thị trường quốc tế thành từng nhóm khác nhau có cùng nhu cầu và ý muốn tương tự như nhau.



**Tầm quan trọng của sơ đồ thị trường.


Sơ đồ thị trường là cơ sở cho việc phân tích thị trường, là bước đầu tiên của phân khúc thị trường.

Sơ đồ thị trường xác định toàn bộ chuổi giá trị từ người cung cấp nguyên liệu thô cho đến người tiêu dùng sản phẩm hoàn chỉnh.
Sơ đồ thị trường khảo sát toàn bộ các kênh cung cấp, các cơ chế mua hàng và toàn bộ các thành phần tham gia (kể cả các thành phần tạo ra ảnh hưởng)


Để cho rõ ràng và thực thế, cần xác lập nhiều sơ đồ thị trường nhằm để có được nhiều sự phân tích có ý nghĩa về các yếu tố khác nhau trên thị trường.


Sơ đồ thị trường vẽ ra một bức tranh của toàn bộ thị trường, bao gồm toàn bộ các kênh cung cấp từ nguyên liệu thô cho đến người tiêu dùng cuối cùng. Sơ đồ thị trường giúp ta hiểu được tính năng động của một thị trường, cung cấp một định nghĩa rõ ràng về thị trường được dẫn dắt bởi cách mà nhu cầu của khách hàng được đáp ứng, nó nói lên bằng cách nào giá trị được chuyển giao trên toàn bộ thị trường.


Quan trọng hơn cả, sơ đồ thị trường giúp xác định người sử dụng sản phẩm cuối cùng và mắc xích quyết định chuổi giá trị vốn là cơ sở thiết yếu để chọn phân khúc thị trừơng.

Để trở thành người bán hàng xuất sắc - Robert & Sharon

Mọi công ty nếu muốn hoạt động hiệu quả phát triển lâu dài, hoặc mở rộng quy mô hoạt động đều cần phải có nguồn thu nhập ổn định. Và nhân viên bán hàng chính là người đem lại nguồn thu nhập đó về cho công ty. Họ là người giới thiệu sản phẩm hay dịch vụ đến khách hàng, thu hút khách hàng tiềm năng, duy trì khách hàng hiện tại, đồng thời tạo dựng uy tín cho công ty. Trong một môi trường luôn kinh doanh mạnh mẽ, vệc làm cho sản phẩm, dịch vụ của bạn trở lên nổi bật và thu hút khách hàng so với hàng ngàn sản phẩm khác của đối thủ là điều không dễ dàng. Chính vì vậy, khâu bán hàng và đội ngũ bán hàng là nguồn tài sản vô cùng quý giá của công ty.
Cuốn sách này giúp bạn trở thành người bán hàng xuất sắc. Đây cũng là một cẩm nang hướng dẫn có giá trị cho những ai mới khởi nghiệp kinh doanh cũng như muốn toả sáng trong lĩnh vực bán hàng. Với những lời khuyên thiết thực và những ví dụ minh hoạ thực tế được chọn lọc trong quá trình kinh doanh, qua cuốn sách này bạn sẽ biết nâng nghệ thuật lên một tầm cao mới.
Hy vọng cuốn sách Để trở thành người bán hàng xuất sắc, bạn sẽ tìm thấy nhiều điều bổ ích có thể vận dụng vào công việc bán hàng cũng như vươn đến những nấc thang thành công khác trong sự nghiệp.

CÂU CHUYỆN NGƯỜI CẦU MƯA
Những thổ dân gia đỏ thường có tục lệ ca tụng và tôn vinh người cầu mưa. Người cầu mưa dùng quyền năng phép thuật để mang mưa về làm tươi tốt mùa màng, giúp cuộc sống con người được no đủ Không có mưa loài người sẽ đói kém, bện tật, chết chóc hoặc phải bỏ xa xứ ra đi.
Ngày nay, thuật ngữ người cầu mưa, người tạo mưa Rainmaker được chỉ người bán hàng xuất sắc - người mang thu nhập về cho tổ chức, dù đó là tổ chức phi lợi nhuận hay phi lợi. Thu nhập ấy đến từ khách hàng và những nhà bảo trợ. Thu nhập ấy là nguồn nước, là dòng máu của tổ chức. Không có nó tổ chức đó không tồn tại.
Thuật ngữ người cầu mưa được dùng nhiều trong các ngành dịch vụ đặc thù như luật, kế toán, tư vấn, đầu tư, quảng cáo và kiến trúc. Trong những nghành này, người cầu mưa là người trong công ty chụi trách nhiệm đem lại hầu hết các khách hàng mới, các thương vị mới.
Người cầu mưa thường là những nhân viên được trả cao nhất ở mọi công ty và mọi nghành nghề. Đó có thể là chủ doanh nghiệp, cộng sự, điều hành, đại diện bán hàng, …hay cũng có thể là một nhân viên bất kỳ trong công ty hoặc một thành viên trong nhóm. Nội dung chủ yếu này dành cho nhân viên bán hàng, nhưng nếu công việc cuả bạn có tiếp xúc với khách hàng, dù trực tiếp hay gián tiếp, cuốn sách này cũng hỗ trợ bạn. Bạn biết cách tăng khả năng “bán” sự hiểu biết của mình cho chính tổ chức bạn đang làm việc.
Yếu tố thành công nhất trong sự thành công của bất kỳ công ty nào là phải có khách hàng. Yếu tố này còn quan trọng hơn ý tưởng kinh doanh, sản phẩm, máy móc, nguồn lực tài chính hoặc con người. Những đồng tiền do khách hàng đem lại sẽ dùng để trả lương cho nhân viên, chi trả phúc lợi, khen thưởng nghỉ mát, y tế,…Đối tượng khách hàng rất phong phú. Họ có thể là thành viên, học viên, người hâm mộ, binh lính, giáo dân, bệnh nhân…Bất kể họ là ai, nếu không có khách hàng thì tổ chức không thể tồn tại.
Vì thế, nhiệm vụ quan trọng của mọi nhân viên là giúp đem lại thu nhập về cho tổ chức, là nhận diện, xác định, thu hút khách hàng đến và giữ khách hàng tiếp tục quay trở lại công ty. Nhiệm vụ nùa đúng với mọi tổ chức và không có ngoại lệ!
Cuốn sách này là một cẩm nang hướng dẫn cách bán hàng hiệu quả. Nếu nói một cách hình ảnh thì cuốn sách sẽ hướng dẫn bạn cách cầu mưa, dù đó là mưa phùn hay mưa bão. Nếu bạn muốn đem thu nhập về cho tổ chức, nếu mục tiêu của bạn là trở thành người bán hàng xuất sắc hay nếu bạn muốn trở thành một tài sản vô giá của tổ chức hãy giành thời gian đọc và vận dụng những lời khuyên thiết thực trong cuốn sách này.
Jeffrey J. Fox

TIÊU CHÍ, PHẨM CHẤT CỦA NGƯỜI BÁN HÀNG XUẤT SẮC
• Luôn quý mến khách hàng.
• Đối xử với khách hàng như với người bạn tốt nhất của mình.
• Lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu của khách hàng.
• Đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
• Định giá sản phẩm của công ty theo đúng giá trị thực được quy đổi thành tiền.
• Chỉ cho khách hàng thấy giá trị được quy đổi thành tiền của những gì họ sẽ nhận được.
• Làm cho khách hàng cảm thấy muốn thoả nguyện những nhu cầu của bản thân.
• Chỉ ra những đặc tính của sản phẩm theo đúng ý muốn của khách hàng.
• Sẵn sàng cung cấp sản phẩm bất cứ hi nào khách hàng muốn.
• Mang lại cho khách hàng nhiều hơn mức họ lao động, dù chỉ một chút.
• Thường xuyên cảm ơn khách hàng một cách chân thành.
• Nhắc nhở khách hàng về giá trị thành tiền mà họ đã nhận được.
Người bán hàng xuất sắc là người nhận biết được giá trị và sức mạnh của tiêu chí bán hàng.

Luôn tìm câu trả lời: “Tại sao khách hàng này cần chúng ta?”

Đừng bao giờ gọi điện mời khách mua hàng nếu bạn chưa trả lời được câu hỏi: “Tại sao khách hàng này cần sản phẩm/dịch vụ/hợp tác với công ty của tôi? ”. Câu trả lời phải gắn liền với lợi ích và những vấn đề của khách hàng chứ không phải với lợi ích của công ty bạn. Hãy làm cho khách hàng hiểu rằng khi hợp tác với bạn, họ sẽ cảm thấy hài lòng hoặc có thể giải quyết những vướng mắc hiện tại và đôi khi là cả hai vấn đề trên. Đối với khách hàng, lợi ích kinh doanh là trên hết và thông thường lợi ích kinh doanh đó sẽ kéo theo lợi ích cá nhân khác. Ví dụ: Việc tung sản phẩm mới ra thị trường sớm hơn dự tính để kiếm hơn hàng triệu đô la, có thể là một lợi ích kinh doanh. Còn lợi ích cá nhân là một cơ hội thăng tiến nghề nghiệp cho khách hàng.
Nếu sản phẩm của bạn mang đến cho khách hàng một cảm giác hài lòng, thì đối với câu hỏi nêu trên, người bán nhiên liệu sưởi ấm sẽ trả lời: “Khi sử dụng nhiên liệu của chúng tôi, căn phòng của anh/chị sẽ ấm cúng hơn”. (Một người bán hàng không hiệu quả chỉ nghĩ đơn giản rằng: khách hàng mua nhiệt lượng để sưởi ấm).
Nếu sản phẩm của bạn giúp khách hàng giải quyết vấn đề thì câu trả lời cho câu hỏi này nên được diễn đạt thành tiền. Ví dụ: giả sử công ty bạn cung cấp chương trình phần mềm có thể giúp cho khách sạn tính tiền chính xác hơn và lập hoá đơn trên máy tính cho mọi cuộc điện thoại. Vậy lý do khách hàng nên hợp tác với bạn vì sản phẩm của bạn có thêm 2 USD mỗi phòng mỗi tối.
Người bán hàng xuất sắc trả lời câu hỏi: “Tại sao khách hàng này cần sản phẩm/dịch vụ/hợp tác với chúng ta?” bằng cách ước tính những lợi ích kinh tế mà sản phẩm sẽ mang lại cho khách hàng, cũng như mức độ thiệt hại nếu khách hàng không dùng sản phẩm đề xuất. Đồng thời, người bán hàng xuất sắc cũng xác định xem cá nhân khách hàng được hưởng lợi trực tiếp như thế nào.


“Đối xử khách hàng như chính mình” bí quyết đầu tiên trong Marketing



Lời dạy đầu tiên trong lý thuyết Marketing để thu hút và giữ chân khách hàng là “Hãy đối sử với khách hàng theo cách bạn muốn được đối xử”. Bạn có muốn bị mua hàng với giá đắt, phục vụ tệ hại, bị nâng giá liên tục hay luôn gặp phải tình trạng đăng ký trước quá nhiều? Cảm giác của bạn ra sao khi đăng ký khách sạn mà được báo là hết phòng? Bạn có thích người khác nuốt lời hứa, bạn giao hàng trễ hạn, không được hướng dẫn chi tiết hay không được cảm ơn?
Hãy luôn đặt mình vào vị trí khách hàng và trả lời câu hỏi “Nếu là khách hàng, tôi cần những gì?”. Câu trả lời của bạn chính là những gì bạn nên mang đến cho khách hàng.
Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi bạn tiếp xúc với những khách hàng khó chụi. Những khách hàng khó chụi đó luôn muốn được người khác chú tâm lắng nghe, không ngắt lời họ, muốn gặp người có thẩm quyền và muốn vấn đề được giải quyết một cách thoả đáng. Họ không muốn chỉ nhận được một bản sao các điều khoản bảo hành. Họ cũng không muốn nghe những lời đề nghị đại loại như: nên gửi món hàng đế nhà sản xuất để kiểm tra, hãy tự đem sản phẩm đó cho dịch vụ bên ngoài xử lý, hoặc nghe giải thích rằng “lỗi đó là do bản chất của sản phẩm”. Nói cách khác, những khiếu nại hầu như bị bác bỏ.
Hãy nhớ rằng khách hàng đích thực luôn mong đợi nhiều hơn mức bạn nghĩ. Có thể những điều bạn muốn hay cách bạn muốn được đối xử chưa thể đáp ứng tất cả mong muốn của khách hàng, những gì bạn chuẩn bị trước sẽ giúp bạn có một khởi đầu thuận lợi.


Tập trung câu ở nơi có cá lớn



Khi được hỏi “Thứ quan trọng nhất mà bạn cần khi đi câu là gì?", hầu hết mọi người đều trả lời đó là mồi câu, cần câu, lưỡi câu. Những thứ đó đều quan trọng, nhưng thứ quan trọng nhất chính là CÁ. Bạn có thể lái chiếc thuyền trang bị đủ thiết bị, dụng cụ câu cá hiện đại trên hồ rộng lớn nhưng nếu trên hồ đó không có cá thì bạn sẽ về tay trắng. Ngược lại, bên chiếc ao nhỏ nhưng đầy cá chắc chắn một chiếc lưới cũ cũng giúp bạn bội thu.
Địa điểm buông câu đó là vị trí cực kỳ quan trọng. Điều này cũng đúng trong việc bán hàng. Những người bán hàng xuất sắc luôn tìm đến khách hàng lớn. Họ tìm cách bắt chuyện với khách hàng đã quen thuộc hay đã từng dùng sản phẩm của họ, hoặc có nhiều khả năng sử dụng sản phẩm đó. Đừng lãng phí thời gian thuyết phục người nông dân sản xuất bơ sữa mua dụng cụ thể thao hay tiếp thị giường bệnh cho các khách sạn.
Nhìn chung, trong cùng một lĩnh vực kinh doanh, các công ty lớn có nhiều triển vọng hơn các công ty nhỏ. Những khách hàng có thu nhập cao thường có triển vọng hơn những khách hàng có mức thu nhập thấp. Những người khách muốn sử dụng sản phẩm của bạn sẽ là đích nhằm tốt hơn là những người mới chỉ cần đến sản phẩm của bạn. Khách hàng cần sản phẩm của bạn có thể không biết họ đang có nhu cầu đó. Họ cần được chúng ta giới thiệu, hướng dẫn, phân tích cho họ hiểu và thuyết phục họ. Điều này đòi hỏi phải có thêm nhiều thời gian và tiền bạc, trong khi đó khách hàng muốn sản phẩm của bạn đã bị thuyết phục phần nào trước khi họ gặp bạn.


Luôn lên kế hoạch trước cho mọi giao dịch với khách hàng



Cơ hội để bạn gặp một người có quyền quyết định khá hiếm hoi và chính cuộc gặp với những người quan trọng đó mới mang tính chất quyết định cho sự thành công của thương vụ. Vì thế, những cuộc hẹn này cần phải được chuẩn bị chu đáo. Trong cuộc gặp đầu tiên với một khách hàng mới trong cuộc gặp cuối cùng để kết thúc một thương vụ thì việc chuẩn bị kế hoạch làm việc là điều quan trọng nhất.
Chín mươi phần trăm các cuộc giao dịch bán hàng qua điện thoại thành công hay thất bại ngay từ trước khi người bán hàng đến gặp trực tiếp khác hàng. Tất cả phụ thuộc vào người bán hàng. Nhiều người tin vào kinh nghiệm của mình nên chủ quan cho rằng không cần phải chuẩn bị nhiều cho những giao dịch điện thoại khách hàng. Một số khác chuẩn bị rất sơ sài ngay trước khi thực hiện giao dịch. Thậm chí có người còn không biết phải nên chuẩn bị những gì hoặc có cần thiết chuẩn bị không.
Người bán hàng xuất sắc không bao giờ lãng phí một cơ hội nào, vì vậy họ luôn lập trước kế hoạch. Thông thường, họ bỏ ra khoảng ba giờ chuẩn bị cho cuộc hẹn nói chuyện 15 phút. Việc lên kế hoạch và chuẩn bị trước từ hai ngày đến 2 tuần cho việc gặp bán hàng là điều bình thường. Một người bán hàng xuất sắc dành 15 ngày với 8 giờ làm việc liên tục để nghiên cứu và hoạch định cho một cuộc họp quan trọng kéo dài 15 phút. Đó là một cuộc họp với vị giám đốc điều hành của một công ty hàng đầu trong một công việc còn khá mới đối với công ty anh ta. Nếu công ty này chấp nhận sử dụng sản phẩm của người bán hàng, hầu như là chắc chắn công ty khác trong nghành cũng bước theo sau. Khi đó, người bán hàng xuất sắc không những bán được hàng mà còn sử dụng thành công thương vụ đó để chiêu dụ các khách hàng khác. Chỉ riêng thương vụ này thôi cũng đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh cho công ty và giúp công ty phát triển hơn nữa.
Đối với người bán hàng xuất sắc, việc lên kế hoạch trước một giao dịch quan trọng cũng không kém việc kiểm tra trước khi bay của phi công. Các phi công luôn kiểm tra mọi thông số, dù nhỏ nhất trước khi máy bay cất cánh hay hạ cánh. Chỉ cần sơ xuất vài chi tiết, cái giá phải trả có thể là quá đắt. Tương tự như vậy, nếu người bán hàng không kiểm tra một số chi tiết quan trọng thì cơ hội có được đơn hàng có khả năng tuột mất.
Một người bán hàng xuất sắc thường chuẩn bị trước.
1. Mục tiêu cụ thể của giao dịch.
2. Mục tiêu kiểm định của chúng thông tin
3. Hàng mẫu, catalogue, báo cáo hay bảng phân tích,…để giới thiệu và thuyết minh cho khách hàng
4. Dự đoán những điều còn băn khoăn và lý do từ chối của khác hàng.
5. Nêu bật sự khác biệt, ưu điểm của sản phẩm của mình so với đối thủ cạnh tranh
6. Trình bày những lợi ích mà sản phẩm sẽ đem lại cho khách hàng
7. Sử dụng phương pháp quy đổi giá trị thành tiền, phân tích doanh thu từ vốn đầu tư
8. Kế hoạch ứng phó lý do từ chối cũng như loại bỏ mối lo ngại của khách hàng
9. Các chiến lược kết thúc thương vụ
10. Những bất ngờ dự kiến
Tuy nhiên, kế hoạch cũng phải thật linh động. Nếu khách hàng chỉ đồng ý mua sau 60s nói chuyện với nhau thì hãy lịch sự cáo từ, dù cho trước đó bạn đã vất vả chuẩn bị cho bài thuyết trình dài hai tiếng đồng hồ. Còn nếu tình huống thực tế xảy ra không như những gì bạn đã dự định, hãy điều chỉnh tuỳ theo sự thay đổi đó. Không nên quá cứng nhắc mà hãy lấy ý kiến khách hàng làm trọng tâm của vấn đề.

** Người bán hàng xuất sắc không bao giờ gặp người có quyền quyết định mua hàng mà không chuẩn bị cho đáo


Khác hàng không quan tâm đến các vấn đề của bạn


Khách hàng thường thường không quan tâm đến công ty bạn có tài sản thế chấp để thực hiện giao dịch hay không, công ty bạn đang gặp phải khó khăn gì, sở thích, thói quen của bạn ra sao,…Điều duy nhất khách hàng quan tâm là bản thân họ và vấn đề của họ. Khách hàng tìm đến bạn vì họ tin rằng bạn có thể cải thiện tình hình của họ.
Chỉ khi khách hàng mới tìm đến bạn. Do đó, bạn nên tập trung lắng nghe để hiểu những vấn đề mà họ đang vướng mắc. Bạn không nên nói nhiều về bản thân mà hãy đặt những câu hỏi thăm dò đã chuẩn bị trước để tìm hiểu sự việc. Hãy lắng nghe những gì khách hàng nói, sau đó phân tích tổng hợp vấn đề. Hãy xác định xem bạn có thể giúp khách hàng bằng cách nào và sản phẩm của bạn giải quyết mối bận tâm của khách hàng ra sao.

Người bán hàng xuất sắc không nói quá nhiều bản thân mình. Thay vào đó, họ luôn tập trung tìm hiểu và lắng nghe khách hàng.