Thứ Tư, 23 tháng 12, 2009

PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO TRONG TỔ CHỨC SẢN XUẤT KINH DOANH P-2

Xem xét phong cách lãnh đạo của người cán bộ quản lý trên hai mặt: mặt trong hàm chứa những đặc điểm tâm lý, trình độ, tri thức, kinh nghiệm, vốn sống ..., mặt ngoài là những hành vi, cách ứng xử, tác phongvv. Hai mặt này tạo nên một phong cách lãnh đạo tương đối ổn định ở một người cán bộ quản lý, nhưng không chết cứng mà mềm dẻo, phụ thuộc vào tình huống và môi trường. Cùng một người cán bộ quản lý trong tình huống, hoàn cảnh này thể hiện phong cách lãnh đạo độc đoán, trong hoàn cảnh tình huống quản lý khác thể hiện phong cách lãnh đạo dân chủ. Bởi khả năng lãnh đạo và sự tự nguyện tuân thủ là dựa vào các phong cách lãnh đạo.

K.Lewin người Đức, sau sống và làm việc tại Mỹ, trên cơ sở quan sát mối quan hệ của người cán bộ quản lý với người dưới quyền trong việc phân công và quản lý sản xuất đã đi đến phân loại các phong cách lãnh đạo trong sản xuất kinh doanh. Ông đưa ra ba loại phong cách lãnh đạo: độc đoán, dân chủ, tự do. Người lãnh đạo độc đoán, chuyên quyền là người ra lệnh và chờ đợi sự phục tùng, là người quyết đoán và tích cực, là người lãnh đạo bằng khả năng và khước từ hoặc đồng ý về phần thưởng hay hình phạt. Người lãnh đạo dân chủ hay lãnh đạo có sự tham gia, thường tham khảo ý kiến cấp dưới về các hành động và quyết định được đề xuất và khuyến khích sự tham gia của người dưới quyền. Loại người lãnh đạo này không hành động nếu không có sự đồng ý của cấp dưới, họ tham khảo ý kiến của cấp dưới trước khi hành động. Kiểu người lãnh đạo thứ ba sử dụng rất ít nếu có, quyền lực của họ, dành cho cấp dưới mức độ độc lập cao, hay “ thả cương” trong các hoạt động điều hành. Những người lãnh đạo như vậy thường phụ thuộc vào cấp dưới để đề ra mục tiêu, họ thường xem vai trò của mình là người giúp đỡ.

Mỗi phong cách lãnh đạo có mặt ưu, nhược điểm khác nhau, trong mỗi giai đoạn phát triển của doanh nghiệp cần thể hiện phong cách lãnh đạo tương ứng, phù hợp. Trong giai đoạn đầu thành lập doanh nghiệp cần một người lãnh đạo quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, thì phong cách lãnh đạo độc đoán là phù hợp. Khi doanh nghiệp bước sang giai đoạn ổn định, cần một không khí tự do, dân chủ hơn, phong cách lãnh đạo dân chủ sẽ phát huy được tính tích cực hoạt động của mỗi nhân viên. Khi doanh nghiệp đạt đến sự ổn định cao, mọi người đã nắm rõ vai trò, trách nhiệm của mình thì phong cách lãnh đạo tự do, dân chủ sẽ phát huy được hết tính sáng tạo của người lao động. Nhìn chung, trong thực tiễn hoạt động kinh doanh cần phối hợp các phong cách lãnh đạo khác nhau. Sự tài giỏi của người cán bộ quản lý là sự vận dụng khéo léo các nguyên tắc, thái độ, cách ứng xử của mình sao cho phù hợp với từng đối tượng trong những hoàn cảnh khác nhau, không cứng nhắc.

Rensis Likert và các đồng nghiệp của ông ở đại học tổng hợp Michigan đã nghiên cứu các kiểu mẫu và các phong cách của các nhà lãnh đạo và quản lý. Ông đã đưa ra ý tưởng và một cách tiếp cận, quan trọng đối với việc hiểu biết về hành vi lãnh đạo. Ông coi một nhà quản lý có hiệu quả là người định hướng mạnh mẽ vào cấp dưới , dựa vào sự liên lạc để giữ cho tất cả các bộ phận hoạt động như là một đơn vị. Tất cả các thành viên của một nhóm, kể cả người quản lý hay lãnh đạo, lựa chọn một thái độ hỗ trợ, trong đó họ chia sẻ lẫn nhau các nhu cầu, các giá trị, các nguyện vọng, các mục đích và những triển vọng chung. Vì nó chú trọng đến các động cơ thúc đẩy con người, cho nên Likert coi cách tiếp cận này là hiệu quả nhất để lãnh đạo một nhóm.

Từ cách tiếp cận này và dựa vào tiêu chí mức độ tham gia của người dưới quyền vào quá trình quản lý lãnh đạo, Rensis Likert đã đưa ra các mô hình phong cách lãnh đạo sau: quyết đoán áp chế, quyết đoán nhân từ, tham vấn, tham gia theo nhóm. Phong cách lãnh đạo quyết đoán áp chế; người lãnh đạo không hề tham khảo ý kiến người dưới quyền, mọi quyết định mang tính chủ quan của người lãnh đạo, thông tin đi một chiều từ trên xuống dưới. Các nhà quản lý loại này chuyên quyền cao độ, có ít lòng tin vào cấp dưới, thúc đẩy người ta bằng sự đe doạ và trừng phạt với những phần thưởng hiếm hoi. Phong cách lãnh đạo quyết đoán nhân từ; bước đầu người lãnh đạo có lòng tin vào người dưới quyền, nhưng quyết định cuối cùng thuộc người lãnh đạo mặc dù cho phép phát biểu ý kiến. Thúc đẩy bằng khen thưởng và một ít bằng sự đe doạ, trừng phạt. Phong cách tham vấn; đã có ít nhiều tin tuởng vào người dưới quyền, sử dụng thông tin hai chiều để ra quyết định, đã có sự phân hoá chức năng trong quản lý, tạo sự năng động trong nhóm sản xuất. Phong cách tham gia theo nhóm; hoàn toàn tin tưởng vào cấp dưới, hy vọng cấp dưới thực hiện tốt công việc của mình, khuyến khích động viên người dưới quyền phát biểu ý kiến, coi mình là một thành viên, thảo luận dân chủ sau đó đi đến quyết định. Nổi bật trong các mô hình lãnh đạo do K.Likert đưa ra là mức độ tham gia của người dưới quyền, sự trao đổi thông tin, sự phân quyền trong hoạt động quản lý, hình thức thúc hoạt động đối với người lao động.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét